Mức độ ưu tiên dành cho du lịch của Việt Nam thấp nhất trong khối ASEAN. Ảnh: Ngọc Minh |
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011 - 2015, Thái Lan và Singapore tăng trưởng mạnh mẽ (lần lượt 12%/năm và 10%/năm) thì Việt Nam chỉ đạt mức 7%/năm. So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).
Những con số đáng buồn
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá tại Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2015. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines, xếp trên các nước Lào (hạng 96), Campuchia (hạng 105) và Myanmar (134).
Đáng lưu ý, trong các chỉ số thuộc yếu tố Chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ, một số chỉ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, bao gồm mức độ ưu tiên dành cho du lịch, Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong số các nước ASEAN (hạng 119), sau nước đứng trên gần nhất là Myanmar (hạng 108).
Về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, yêu cầu về thị thực xếp hạng 119. Thứ hạng về mức độ mở cửa với quốc tế và yêu cầu về thị thực của Việt Nam xếp sau hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Myanmar. Việt Nam cũng xếp hạng thấp về sự bền vững về môi trường (hạng 132), chỉ hơn Indonesia (hạng 134).
Điều đáng bàn, Việt Nam lại được đánh giá cao về chỉ số tài nguyên thiên nhiên (hạng 40), sau Thái Lan (hạng 16), Indonesia (hạng 19) và Malaysia (hạng 26) và trên các nước ASEAN khác; tài nguyên văn hóa (hạng 33), tương đương Thái Lan, sau Singapore (hạng 22), Indonesia (hạng 25) và Malaysia (hạng 27) và cao hơn các nước khác trong khu vực ASEAN; sức cạnh tranh về giá (hạng 22), sau Indonesia (hạng 3) và Malaysia (hạng 6) và xếp trên các nước khác trong khu vực ASEAN.
Đầu tư khiêm tốn
Thực tế, các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều đầu tư khoảng hơn 100 triệu USD/năm cho hoạt động của cơ quan du lịch quốc gia với chức năng chính là xúc tiến, quảng bá du lịch, đồng thời có mạng lưới văn phòng đại diện rộng khắp tại các thị trường du lịch trọng điểm. Trong khi đó, Việt Nam chỉ chi trung bình khoảng 2 triệu USD/năm cho hoạt động này, bằng khoảng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia.
Đáng chú ý, thời gian qua nổi lên sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Lào, Campuchia và Myanamar do sự đầu tư mạnh mẽ, thực chất cho ngành du lịch. Du lịch Campuchia và Myanmar được quản lý và định hướng bởi bộ chuyên ngành du lịch riêng, được chú trọng đầu tư. Đối với Lào, sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa Lào - Việt Nam - Thái Lan đã đóng góp số lượng khách quan trọng (75%) cho ngành du lịch của quốc gia này.
Ngoài ra, yếu tố chu kỳ thị trường ở giai đoạn đầu mới mở cửa khi số lượng tuyệt đối chưa thực sự cao cũng giúp các nước này đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua, như đối với Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005 với mức độ tăng trưởng trung bình 10,50%. Các chuyên gia đánh giá, dù năng lực cạnh tranh tổng thể của các nước trên còn thấp, nhưng nếu Việt Nam không thực sự quan tâm đến phát triển du lịch thì số lượng khách du lịch đến Campuchia, Lào và Myanmar có thể ngày càng rút ngắn khoảng cách đối với Việt Nam.