PPP và kỳ vọng lớn của du lịch Việt Nam

(BĐT) - Sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và các thành phần kinh tế,  thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) đã thực sự làm hồi sinh những tài nguyên du lịch quý giá, từ đó, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo doanh thu lớn cho nhiều địa phương.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tạo chuyển biến lớn

Theo Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế đạt 5,7%/năm, khách nội địa đạt 16,3%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt tăng trưởng trung bình 25%/năm. Tính riêng năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt 337,8 nghìn tỷ đồng, đóng góp 5% GDP cả nước.

Từ những con số trên, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015 trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đều đã hoàn thành, thậm chí vượt.

Tiền đề tạo ra thành công đó, được ngành du lịch đánh giá chung chính là sự kết hợp đầu tư hiệu quả giữa nhiều tỉnh, thành trong cả nước với các nhà đầu tư lớn. Đơn cử như trong giai đoạn 2011 - 2015, cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Thanh Hóa đã được quan tâm kêu gọi đầu tư. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn FLC đầu tư dự án xây dựng Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Hay tại Lào Cai, hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan cùng khu khách sạn cao cấp, được Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan - Sa Pa liên kết với tỉnh Lào Cai triển khai từ năm 2012, với tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng…

Phân tích thêm về bí quyết khiến các địa phương thu hút thành công nhiều nhà đầu tư du lịch có tiềm lực mạnh, các chuyên gia kinh tế khẳng định, chính là việc các cơ quan quản lý nhà nước đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách với thực tiễn, thông qua hợp tác PPP.

Theo đó, Tổng cục Du lịch đã kịp thời soạn thảo và trình Chính phủ nhiều chính sách quan trọng, nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Cơ quan này cũng đã đẩy mạnh kết hợp với các tổ chức quốc tế như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)... xây dựng tốt các quy hoạch du lịch; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch... Ngoài ra, để chính sách có tính thực tiễn, Tổng cục Du lịch cũng khuyến khích các địa phương chủ động, linh hoạt tạo ưu đãi tối đa với nhà đầu tư về thuế, giải phóng mặt bằng; đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Vẫn là giải pháp tối ưu

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, dự kiến vào tháng 5/2016, Tổng cục sẽ tổ chức một diễn đàn du lịch lớn, nhằm tập hợp các nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp du lịch, địa phương, cơ quan quản lý... để đề xuất nhu cầu, giải pháp, phương hướng thúc đẩy các nguồn tài trợ về tài chính, kỹ thuật phục vụ sự phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch sẽ là 1.931 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước chỉ chiếm 8 - 10%, phần lớn còn lại sẽ là từ khu vực tư nhân, chiếm 90 - 92%, bao gồm cả vốn FDI.

Để thành công trong thu hút lượng vốn đầu tư nêu trên, ngành du lịch tiếp tục phải triển khai mạnh mẽ nhiều biện pháp. Trong đó, nhiều lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hình thức PPP chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả.

Cùng quan điểm trên, để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, phải tăng cường năng lực thể chế và quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch… và chú trọng kêu gọi nhà đầu tư cả quốc tế, trong nước.

Chuyên đề