Logistics có tận dụng được lợi thế?

(BĐT) - Logistics là một ngành đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhờ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải và logistics với bờ biển dài 3.200 km, nằm ở vị trí chiến lược, trung tâm của Đông Nam Á.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo lộ trình tham gia TPP, các nước sẽ phải cắt giảm ngay 18.000 dòng thuế (tương đương với 90% dòng thuế) về mức 0%, số còn lại sẽ cắt giảm về 0% trong 10 năm. Điều này dự kiến sẽ tạo ra sự bùng nổ trong giao dịch thương mại và di chuyển đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong TPP. Sự gia tăng về di chuyển hàng hóa cùng các yếu tố đầu vào sản xuất sẽ tạo cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành logistics. 

Chỉ số đánh giá logistics ở mức trung bình khá

Logistics là một ngành đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhờ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải và logistics với bờ biển dài 3.200 km, nằm ở vị trí chiến lược, trung tâm của Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có chỉ số đánh giá phát triển logistics ở mức trung bình khá, năm 2014 xếp hạng 48/160 nền kinh tế. Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp (DN) logistics đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 25 DN có vốn nước ngoài nhưng chiếm tới 80% thị phần. Hơn 1.200 DN logistics nội địa chỉ chiếm khoảng 20% thị phần.

Các DN logistics Việt Nam được hình thành từ các công ty vận tải hoặc giao nhận, có tuổi nghề còn non trẻ, năng lực tài chính, nhân sự và công nghệ đều yếu. Do vậy, các DN logistics chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, phần lớn chỉ hoạt động trong một vài khâu đoạn của ngành như giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ… hoặc thực hiện logistics 2PL và làm đại lý cấp 2, cấp 3 cho các công ty toàn cầu.

Chi phí logistics Việt Nam hiện cao gấp 2 - 3 lần so với thế giới, mỗi năm doanh thu của ngành này chiếm khoảng 21 - 25% GDP, tương đương 37 - 40 tỷ USD; tuy nhiên, 30 - 35 tỷ USD trong số đó đã thuộc về các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân sự mạnh.

Điều này dẫn đến hầu hết DN Việt Nam chỉ làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các công ty toàn cầu. Đến nay, DN Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ logistics. Hiện, chỉ có một số ít DN logistics có truyền thống, đã đầu tư hàng trăm tỷ để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, sẵn sàng cung cấp dịch vụ logistics 3PL là Gemadept, Vinafco, Transimex Sài Gòn…

Chủ động “gia công” dịch vụ cho các DN logistics toàn cầu

Mặc dù có những hạn chế nội tại của các DN trong ngành logistics, nhưng để tham gia được vào hội nhập, các DN cần chọn cho mình một hướng đi “ngắn nhất, rẻ nhất”. Đôi khi “gia công” dịch vụ cho các DN logistics toàn cầu cũng là cách để DN logistics hội nhập hiệu quả, tạo đà phát triển.

DN logistics cần xác định chính xác phân khúc thị trường, sẵn sàng và chủ động tham gia làm đại lý hoặc nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, “gia công” dịch vụ cho các công ty logistics toàn cầu để thực hiện các công đoạn nội địa. Theo TS. Nguyễn Thái Sơn, Trường Đại học Hải Phòng, đây là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để từng bước tham gia thị trường, học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc, công nghệ của các công ty nước ngoài.

Trong việc tiếp cận với các DN logistics nước ngoài, cần tìm thị trường ngách, các DN nước ngoài vừa và nhỏ để cung ứng dịch vụ với mức chi phí phù hợp với họ. Cùng với đó, các DN cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử để hiện đại hóa, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình giao dịch theo xu hướng thế giới, hướng tới sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp cho quản trị logistics.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong tương lai, các DN logistics cần đầu tư hoặc liên kết đầu tư để cung cấp thêm các dịch vụ có giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, cải thiện dịch vụ và kết cấu hạ tầng, mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm nâng cao khả năng phục vụ khách hàng.

Theo CBRE, Việt Nam sở hữu 2 cảng biển rất quan trọng ở TP.HCM và Hải Phòng, với khả năng trung chuyển tăng theo từng năm. Cụ thể, cảng tại TP.HCM có khả năng trung chuyển bằng ¼ so với cảng tại Hồng Kông, bằng 1/6 so với cảng tại Singapore và hoạt động của cảng Hải Phòng bằng 50% của cảng TP.HCM.

Tuy nhiên, để gia tăng cạnh tranh khi hội nhập, Việt Nam cũng cần thay đổi kết cấu hạ tầng vận tải đáp ứng tính cạnh tranh toàn cầu và đẩy mạnh kết nối vận tải với các quốc gia láng giềng như Thái Lan – quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển ngành logistics. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu hụt kết cấu hạ tầng đồng bộ là nguyên nhân chính khiến cho hệ thống logistics của Việt Nam chưa hoạt động hết công suất.

CBRE dự báo, TP. Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Việt Nam và trong tương lai là điểm trung chuyển của mạng lưới logistics khu vực và toàn cầu. Do đó, khi hoàn thiện được các dự án hạ tầng trọng điểm, Hải Phòng kỳ vọng sẽ giải quyết được một vấn đề quan trọng liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi vấn đề này được giải quyết, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm logistics của khu vực, góp phần vào sự tăng trưởng của cả nước.

Chuyên đề