1. Hoạt động logistics là gì?
Luật Thương mại 2005 và Nghị định 140/2007/NĐ-CP là hai văn bản pháp luật quy định chung nhất và cơ bản nhất về hoạt động logistics hiện nay.
Theo Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics được định nghĩa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
2. Hoạt động logistics bao gồm những loại hình dịch vụ nào?
Theo Nghị định 140/2007/NĐ-CP, hoạt động logistics có nhiều loại hình dịch vụ khá đa dạng, cụ thể:
2.1. Các dịch vụ lô-gi-stíc chủ yếu, bao gồm:
(a) Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container;
(b) Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị;
(c) Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa;
(d) Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi lô-gi-stíc; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.
2.2. Các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải, bao gồm:
(a) Dịch vụ vận tải hàng hải;
(b) Dịch vụ vận tải thuỷ nội địa;
(c) Dịch vụ vận tải hàng không;
(d) Dịch vụ vận tải đường sắt;
(e) Dịch vụ vận tải đường bộ.
(f) Dịch vụ vận tải đường ống.
2.3. Các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan khác, bao gồm:
(a) Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật;
(b) Dịch vụ bưu chính;
(c) Dịch vụ thương mại bán buôn;
(d) Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng;
(e) Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
3. Hoạt động vận tải trong logistics cần chú ý đến những văn bản pháp luật nào?
Để tham gia vào lĩnh vực vận tải, ngoài việc tuân thủ các quy định chung trong Luật Thương mại 2005 và Nghị định 140/2007/NĐ-CP, doanh nghiệp còn phải thực hiện đúng theo những quy định pháp luật chuyên ngành về từng lĩnh vực vận tải cụ thể. PLF xin liệt kê các văn bản pháp luật cơ bản trong từng lĩnh vực vận tải như sau:
Lĩnh vực |
Luật |
Nghị định |
Thông tư |
Dịch vụ vận tải hàng hải |
Bộ luật Hàng hải 2005 |
Nghị định 30/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển |
Thông tư 66/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa các cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới |
Dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa |
Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 |
Nghị định 110/2014/NĐ-CP Quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa |
Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-BGTVT ngày 28/12/2015 Hợp nhất Thông tư quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa |
Dịch vụ vận tải hàng không |
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006; |
Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung |
Thông tư 81/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung |
Dịch vụ vận tải đường sắt |
Luật Đường sắt 2005 |
Nghị định 14/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đường sắt |
Thông tư 78/2014/TT-BGTVT quy định về việc vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia |
Dịch vụ vận tải đường bộ |
Luật Giao thông đường bộ 2008 |
Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô |
Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ |
Quý doanh nghiệp cần lưu ý danh sách trên chỉ đưa ra những văn bản pháp luật cơ bản của từng lĩnh vực vận tải. Trường hợp doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư kinh doanh lĩnh vực cụ thể, doanh nghiệp nên tìm đến sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý để việc kinh doanh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.