Hải Phòng sẽ là điểm trung chuyển logistics của khu vực và toàn cầu

Với sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng trọng điểm, Hải Phòng kì vọng sẽ giải quyết được một vấn đề quan trọng liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi vấn đề này được giải quyết, Hải Phòng được kì vọng sẽ trở thành một trung tâm logistics của khu vực, góp phần vào sự tăng tưởng của cả nước.
TP. Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Việt Nam.
TP. Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Việt Nam.

Trải qua hơn 10 năm, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng từ 66 tỷ USD năm 2006 lên 186 tỷ USD năm 2014 với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 13% (theo USD).

Cùng với đó, giá trị thương mại xuất nhập khẩu cũng được ghi nhận mức tăng đáng kể. Nền kinh tế tăng trưởng tích cực đã tạo điều kiện cho sự phát triển của  các cơ sở hạ tầng logistics và sự hình thành các hệ thống trung tâm logistics nhằm hỗ trợ cho các hoạt động thương mại quốc tế.   

Hệ thống trung tâm logistics Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu so với mạng lưới logistics toàn cầu. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, tổng sản lượng thương mại đã tăng gần gấp đôi (168%) từ 2007 đến 2014. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển và cải thiện đáng kể trong hoạt động logistics. Khối lượng trung chuyển toàn cầu thường niên đã tăng gấp đôi, từ 4,9 triệu TEU vào năm 2008 lên mức 10 triệu TEU vào năm 2014. 

Theo đánh giá của CBRE, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hải Phòng sở hữu hai cảng biển quan trọng nhất Việt Nam. Mặc dù khả năng trung chuyển của cảng tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay chỉ bằng một phần tư so với cảng tại Hồng Kông, bằng một phần sáu so với cảng tại Singapore và hoạt động tại cảng Hải Phòng chỉ bằng 50% so với cảng tại Hồ Chí Minh, nhưng mức độ tăng trưởng lưu lượng trung chuyển tại các cảng này vẫn được ghi nhận mức tăng hàng năm. 

Từ năm 2008 đến năm 2014, lưu lượng trung chuyển hàng hóa thường niên qua miền Nam Việt Nam đã tăng 105% với Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu. Trong khi đó, con số này tại miền Bắc Việt Nam với Hải Phòng là đơn vị đi đầu đã tăng 88%. 

Đáng chú ý là, tại miền Bắc Việt Nam, Hải Phòng đóng góp 98% vào lưu lượng trung chuyển hàng hóa toàn quốc năm 2014.  Với lợi thế về vị trí, chỉ cách biển 100km, Hải Phòng có nhiều tiềm năng phát triển hệ thống trung tâm logistics mang tầm cỡ quốc gia và khu vực trong tương lai.

Tại thời điểm hiện nay, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng đồng bộ là nguyên nhân chính khiến cho hệ thống logistics Hải Phòng chưa hoạt động hết công suất. 

Theo chuyên gia của CBRE, hiện chính quyền địa phương TP. Hải Phòng đã và đang hoạt động rất tích cực để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố và mạng lưới giao thông kết nối tới các tỉnh, thành khác, đặc biệt là những nơi có hệ thống trung tâm logistics quốc gia như Hà Nội, Quảng Ninh. 

Những hành động này của chính quyền TP. Hải Phòng góp phần cải thiện khả năng kết nối và nâng cao hoạt động kinh doanh giữa các thị trường liên quan, đồng thời cũng làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với triển vọng của thị trường Việt Nam nói chung và thị trường miền Bắc Việt Nam và Hải Phòng nói riêng. 

Mặc dù hiệp định TPP mở ra nhiều cơ hội lớn cho thương mại Việt Nam đối với các thị trường chiến lược như Mỹ, Nhật Bản... và thúc đẩy thương mại đa chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên, nhưng cũng đồng thời mang lại cho Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi, nhiều thách thức. Hải Phòng nên tận dụng những cơ hội này nhưng cũng cần giải quyết một số vấn đề liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thành phố. 

Theo như báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2014, Việt Nam đứng thứ 90 về xếp hạng môi trường kinh doanh (trong số 189 quốc gia tham gia điều tra), tăng 3 bậc so với năm 2013. Những vấn đề còn tồn động bao gồm thương mại xuyên biên giới, bảo hộ các nhà đầu tư, giấy phép xây dựng, thủ tục đăng ký tài sản và thực thi hợp đồng. 

Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014, Hải Phòng chỉ đứng thứ 34 trong số 63 tỉnh, thành, thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng (đứng thứ nhất), Hồ Chí Minh (đứng thứ 4), Thái Nguyên (đứng thứ 8), Bắc Ninh (đứng thứ 10). Trong số những vấn đề được nêu ra trong báo cáo của PCI, tính minh bạch, chất lượng cơ sở hạ tầng và lao động là những điểm nổi bật.  

Vì vậy, để trở thành một trung tâm logistics quốc gia trong tương lai gần và mang tầm khu vực trong dài hạn, Hải Phòng cần giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tính minh bạch cũng như chú ý tới việc cải thiện chất lượng lao động khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng như thành phố ngày càng tăng lên và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. 

Theo đánh giá của chuyên gia CBRE, TP. Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Việt Nam và trong tương lai là điểm trung chuyển của mạng lưới logistics khu vực và toàn cầu.

"Với sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng trọng điểm, Hải Phòng kì vọng sẽ giải quyết được một vấn đề quan trọng liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi vấn đề này được giải quyết, Hải Phòng được kì vọng sẽ trở thành một trung tâm logistics của khu vực, góp phần vào sự tăng tưởng của cả nước", chuyên gia của CBRE đánh giá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư