Logistics: 80% thị phần vào tay nước ngoài, doanh nghiệp nội tính sao?

Doanh nghiệp logistics nội địa vẫn có dư địa tăng trưởng tốt, nhất là trong các mảng có lợi thế địa phương như cảng biển và vận tải hành khách.
Ông Trần Anh Tuấn
Ông Trần Anh Tuấn

Theo báo cáo triển vọng năm 2016 của Chứng khoán Vietcombank, Logistics là một trong những ngành được kỳ vọng phát triển mạnh vào năm 2016. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, 80% thị phần của ngành kinh doanh béo bở này đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Thêm vào đó, các doanh nghiệp niêm yết cũng đóng góp một thị phần tương đối khiêm tốn so với các doanh nghiệp chưa niêm yết. Cơ hội đầu tư có thực sự rộng mở?

Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, CFA – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Vietcombank.

Thưa ông, ngành Logistics trước đến nay vẫn bị cho rằng đã bị rơi vào tay các hãng nước ngoài (80% thị phần nằm trong tay 25 Doanh nghiệp ngoại)? Theo ông doanh nghiệp Việt Nam còn có nhiều dư địa tăng trưởng và phát triển?

Thực trạng hiện nay đúng là phần lớn thị phần rơi vào tay các công ty logistics nước ngoài do họ có đội tàu lớn và cung cấp cả gói dịch vụ logistics tích hợp (3PL). Trong khi đó đa phần các doanh nghiệp logistics của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ logistics rất hạn chế, chủ yếu là vận tải hàng hóa. Ngoài ra sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và vận tải biển cũng giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp logistics nội địa.

Tuy nhiên doanh nghiệp logistics nội địa vẫn có dư địa tăng trưởng tốt,nhất là trong các mảng có lợi thế địa phương như cảng biển và vận tải hành khách. Nhu cầu dịch vụ cảng biển tiếp tục duy trì ở mức cao, tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2015 tăng trưởng khá 14,6% yoy. Hoạt động vận tải hành khách cả đường bộ và đường không đều tăng trưởng tốt do những cải thiện rõ nét về hệ thống cơ sở hạ tầng. Ngoài ra giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua giúp KQKD của các doanh nghiệp vận tải cải thiện rõ nét.

Những thuận lợi của ngành trong năm 2016 là gì thưa ông?

Cảng biển và vận tải là các ngành công nghiệp được hưởng lợi gián tiếp sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế giới như VCUFTA, VKFTA, FTA Việt Nam – EU, TPP,… và các tập đoàn sản xuất lớn như Samsung, Microsoft, LG, Bridgestones… chuyển dần dây chuyền sản xuất về Việt Nam làm tăng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, nhu cầu về các dịch vụ vận tải, cảng biển được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2016. Cục Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển năm 2016 đạt 470 triệu tấn, tăng 10% so với thực hiện năm 2015, trong đó hàng container kế hoạch tăng 11% yoy và đạt 13,3 triệu TEU.

Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng tích cực bởi việc tăng sản lượng này sẽ không giống nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành. Những công ty niêm yết được hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp cảng vẫn còn công suất dư thừa, có vị trí thuận lợi và chất lượng dịch vụ hậu cần sau cảng tốt như Viconship, Gemadept.

Các cảng biển vừa được cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước hoạt động ra sao? Tác động của việc cổ phần hóa Cảng biển lên các Doanh nghiệp đang niêm yết hiện nay như thế nào thưa ông?

Chính sách cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư và phát triển hệ thống cảng biển. Đặc biệt khi Chính phủ thay đổi chủ trương thoái vốn sâu hơn, sức hấp dẫn nhà đầu tư lớn đã tăng lên đáng kể. Các cảng có vị trí thuận lợi hoặc nằm gần thành phố rất “đắt hàng” trong các đợt IPO. Thực tế cho thấy, nhiều cảng biển sau khi chuyển giao cho các thành phần kinh tế khác đều có lợi nhuận tăng mạnh so với khi Nhà nước còn sở hữu. Nguyên nhân do các nhà đầu tư lớn tham gia sâu hơn vào việc hoạch định chiến lược và quản trị doanh nghiệp.

Việc cổ phần hóa cảng biển khó làm mất tính hấp dẫn của các Doanh nghiệp cảng niêm yết do 2 nguyên nhân: (1) Các nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa cảng biển thường là các tổ chức lớn, muốn sở hữu chi phối và nguồn để đầu tư họ đã chuẩn bị từ lâu; (2) Các doanh nghiệp cảng niêm yết nhìn chung quy mô còn nhỏ so với thị trường, trong khi triển vọng ngành khả quan, nhu cầu đầu tư khá lớn. Chênh lệch cung-cầu tạo nên sức hút của các doanh nghệp cảng biển niêm yết.

Vậy thì ngoài ngành logistics, theo ông ngành nào có triển vọng trong năm 2016?

Năm 2016 mặc dù chưa có nhóm ngành nào có triển vọng nổi bật nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp sẽ có KQKD tốt. Các doanh nghiệp có dòng tiền tốt, hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào, ít vay nợ và không có dư nợ ngoại tệ sẽ là tiêu điểm trong năm 2016. Ngoài ra nhà đầu tư cũng nên quan tâm tới các doanh nghiệp kín room, có kế hoạch thoái vốn Nhà nước. Trong đó, ngành Ngân hàng và Bất động sản với vốn hóa lớn sẽ tác động lớn tới thị trường trong năm 2016. Ngành Logistics, Xây dựng và Dệt may cũng sẽ tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, hưởng lợi từ các hiệp định về tự do thương mại.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư