Gỡ tắc giải ngân Nghị định thư tài chính Việt Nam – Israel

(BĐT) - Nghị định thư tài chính Việt Nam - Israel giá trị 150 triệu USD đã được ký kết khoảng 10 năm, song đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ Nghị định thư này vẫn vô cùng khiêm tốn. 
Sử dụng vốn vay trong khuôn khổ Nghị định thư tài chính Việt Nam - Israel, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ về mặt công nghệ. Ảnh: Bùi Đức Thâu
Sử dụng vốn vay trong khuôn khổ Nghị định thư tài chính Việt Nam - Israel, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hỗ trợ về mặt công nghệ. Ảnh: Bùi Đức Thâu

Một trong những nguyên nhân được lý giải là do khoản tài chính có lãi suất vay không hấp dẫn (không phải vốn ODA hay vốn vay ưu đãi).

Nhằm tìm giải pháp để giải ngân được nguồn vốn này, tại cuộc làm việc mới đây giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và đại diện Chính phủ Israel tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương đã đề xuất giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ Nghị định thư, đồng thời cân nhắc vấn đề bảo lãnh vốn vay.

Đồng quan điểm này, đại diện Chính phủ Israel cho rằng, đã đến lúc cần phải có giải pháp để nguồn vốn này đến được với các doanh nghiệp, chẳng hạn như đề xuất thêm những dự án PPP có thể được nhận hỗ trợ triển khai.

Theo Nghị định thư, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel sẽ cung cấp bảo lãnh vốn vay cho các công ty tham gia vào các dự án khác nhau trong khuôn khổ Nghị định thư. Trị giá tối đa của khoản tín dụng bảo lãnh là 150 triệu USD và có thể tăng lên theo thỏa thuận của hai bên. Nghị định thư cũng bảo đảm cho các công ty Israel sẽ được bảo hiểm xuất khẩu khi chuyển giao công nghệ từ Israel sang Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi và hỗ trợ về mặt công nghệ... Đối với các dự án có giá trị dưới 25 triệu USD sẽ được vay thời hạn 8 năm và thời hạn 10 năm sẽ áp dụng cho các dự án có giá trị trên 25 triệu USD.               

Chuyên đề