Một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: Lê Tiên |
Muốn kéo dài kỳ hạn, mở rộng đối tượng
Đến nay, có 6 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay từ 1/8 đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đó là các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank và VPBank. Cách thức giảm lãi suất cho vay cũng khá đa dạng.
Cụ thể, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND ở mức tối đa là 5,5%/năm áp dụng cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới. Các lĩnh vực được ưu đãi lãi vay là: phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Techcombank áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức giảm khoảng 0,5% so với mức hiện nay. Sau khi hạ lãi suất, ước tính mức lãi suất cho vay mới của ngân hàng này bình quân khoảng 7,5%/năm.
Tại VPBank, đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu bổ sung vốn lưu động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm ngay 1% lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5% đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Từ phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, nhiều thành viên của hiệp hội này thuộc đối tượng được vay lãi suất ưu đãi nêu trên. Theo đó, đã có doanh nghiệp ký hợp đồng vay mới và có doanh nghiệp đã làm hồ sơ đề xuất chờ gia hạn hợp đồng vay cũ với lãi suất ưu đãi hơn. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch này cho biết, các doanh nghiệp mong muốn các gói vay ưu đãi này nên được kéo dài thời hạn từ ngắn hạn (1 năm) thành trung và dài hạn (3 - 5 năm), bởi vì hoạt động trong các lĩnh vực này cần nguồn vốn dài hạn.
“Chúng tôi cũng mong rằng chính sách cho vay ưu đãi này nên mở rộng đối tượng cho vay sang các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, các ngành sản xuất hàng gia dụng. Đây là những ngành sản xuất có lợi thế của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần lực lượng lao động lớn. Do đó, khi họ được tạo điều kiện hơn về vốn thì năng lực sản xuất sẽ tăng và có sức lan tỏa mạnh mẽ”, ông Quốc Anh nói.
Cần tính cách điều hành mang tính thị trường
Từ góc nhìn khác, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng bình luận: “Tôi chưa nhìn thấy tác động lan tỏa từ chính sách này. Mọi người kỳ vọng vào việc một số ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay sẽ khiến các ngân hàng nhỏ và vừa giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, chi phí vốn của các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa vẫn ở mức cao nên họ khó lòng có thể giảm được, ngân hàng có room tín dụng thấp, muốn duy trì lợi nhuận bắt buộc phải giữ lãi suất cho vay cao”.
Theo vị chuyên gia này, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào cung cầu vốn của thị trường, nhất là việc các ngân hàng đang cần vốn trung và dài hạn. Ở thời điểm hiện nay, chỉ những ngân hàng dư thừa nguồn vốn ngắn hạn mới có cơ hội giảm lãi vay ở kỳ hạn ngắn.
“Việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất chủ yếu là thực thi theo mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó, chúng ta nên tiến tới việc cải tổ hệ thống tài chính theo hướng toàn diện hơn, tương đồng với cách thức điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới thì sẽ tốt hơn. Việt Nam đang tồn tại hai thị trường tiền tệ là thị trường giữa các ngân hàng cho vay lẫn nhau và thị trường các ngân hàng cho doanh nghiệp vay, trong khi hai thị trường này không liên thông. Trong khi đó, tại các nước khác, chỉ có một thị trường tiền tệ và khi ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất tham chiếu thì các loại lãi suất khác cũng được điều chỉnh theo”, ông Hiếu phân tích.