Điểm lại cam kết trong một số FTA để sẵn sàng cho cạnh tranh

(BĐT) - Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đang trong giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế quan cùng 4 FTA vừa được ký kết, gồm VKFTA, VCUFTA, EVFTA và TPP, năm 2015 được coi là năm của hội nhập. 
Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong hội nhập. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong hội nhập. Ảnh: Lê Tiên

Hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho doanh nghiệp (DN). Báo Đấu thầu xin điểm lại các FTA khi cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở trước thềm năm mới 2016.

Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA)

ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Thực hiện cam kết ATIGA, đến nay, Việt Nam đã cắt giảm tổng cộng 8.603 dòng thuế  xuống thuế suất 0%, trong đó năm 2015 cắt giảm 1.706 dòng thuế. Hiện chỉ còn lại 669 dòng thuế (chiếm 7% tổng số dòng thuế xuất, nhập khẩu). Dự kiến, đến năm 2018, tất cả các dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống thuế suất 0%.

Thực hiện ATIGA tác động đến việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xu hướng dịch chuyển nhập khẩu tăng từ các nước ASEAN so với các đối tác khác, trong khi kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến dưới tác động của tự do hóa thuế quan do các nước ASEAN 6 đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam xuống 0% từ năm 2010.

Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)

VJEPA có nội dung toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân. Vào năm cuối của lộ trình giảm thuế (năm 2026), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế.

Sau thời điểm 1/4/2018, Việt Nam sẽ tiếp tục xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, tập trung vào các nhóm mặt hàng chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược. Đến năm 2025, Việt Nam cam kết xóa bỏ thêm 26,4% số dòng thuế, nâng tỷ lệ số dòng thuế về 0% lên 88,6%.

Bên cạnh thực hiện VJEPA, Việt Nam còn phải thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Theo đó, đến năm 2024, Việt Nam phải xóa bỏ thuế quan đối với 8.231 dòng thuế (chiếm 88,6%). Ngoài ra, gần 100 dòng thuế khác phải đưa về mức thuế nhập khẩu tối đa 5%. 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)

Ngày 4/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết VKFTA. Trên nền Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam bổ sung thêm 265 mặt hàng, có kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc. Cũng như với Nhật Bản, ngoài việc thực hiện FTA song phương, Việt Nam còn phải thực hiện AKFTA với tư cách là thành viên ASEAN từ năm 2007. Thực hiện AKFTA, Việt Nam phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại (620 dòng thuế) phải đưa về mức thuế suất 5% gồm điện tử, cơ khí, sắt thép và kim loại cơ bản, sản phẩm hóa dầu, phụ tùng máy móc, một số mặt hàng ô tô đặc chủng và chuyên dụng vào năm 2021.

Trong giai đoạn 2015 - 2018, Việt Nam xóa bỏ thuế quan đối với 7.366 dòng thuế (chiếm 77,6% tổng số dòng thuế) tập trung vào một số sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp, máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may, thủy sản, giấy, hóa chất, sản phẩm từ sắt thép và kim loại cơ bản.

Thực hiện VKFTA và AKFTA chỉ có rất ít hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc phải chịu thuế suất cao, gồm ô tô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp, đồ điện gia dụng, sắt thép, điện tử, rượu, thuốc lá, xăng dầu. 

FTA Việt Nam - EU (EVFTA)

EU là liên minh gồm 28 quốc gia ở khu vực châu Âu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có FTA nào với các quốc gia trong EU.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ không còn phải nộp thuế nhập khẩu. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.

Nhiều nhóm hàng quan trọng cũng được xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu hoặc theo lộ trình, gồm ô tô; xe máy; hóa chất; đồ uống có cồn; thịt lợn, gà, bò; sữa và sản phẩm sữa; cá và các sản phẩm cá; thuốc lá, xì gà; máy móc thiết bị; sản phẩm gỗ, giấy. Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, và cam kết không tăng thuế đối với các sản phẩm còn lại (trong đó có dầu thô và than đá).

Đổi lại, ngay khi EVFTA có hiệu lực, 28 nước thành viên EU sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

TPP là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu, bao gồm 12 thành viên là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Peru, Chile, Canada, Mexico và Việt Nam.

11 thành viên trong TPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi TPP có hiệu lực (dự kiến vào năm 2018) khoảng từ 78 - 95% số dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 - 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi PPP có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su.

Đổi lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế cho 11 đối tác trong TPP. Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi TPP có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng Việt Nam phải cắt giảm thuế suất gồm: ô tô; sắt thép, xăng dầu; nhựa và sản phẩm nhựa; hóa chất và sản phẩm hóa chất; giấy, đồ gỗ; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép; rượu bia...

Chuyên đề