Đấu thầu để hóa giải thách thức về vốn cho dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến hoàn thiện. Góp ý Dự thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, việc huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện hiện đang rất khó khăn, trong giai đoạn tới sẽ còn khó khăn gấp bội.
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021 - 2030, bình quân mỗi năm Việt Nam cần đầu tư khoảng 13 tỷ USD cho phát triển nguồn điện và lưới điện. Ảnh: Thế Anh
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021 - 2030, bình quân mỗi năm Việt Nam cần đầu tư khoảng 13 tỷ USD cho phát triển nguồn điện và lưới điện. Ảnh: Thế Anh

Vì vậy, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện trong giai đoạn tới là giải pháp hiệu quả góp phần hóa giải thách thức này.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn lập Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021 - 2030, bình quân mỗi năm Việt Nam cần đầu tư khoảng 13 tỷ USD cho phát triển điện lực, bao gồm cả nguồn điện và lưới điện. Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2031 - 2045 cũng lớn tương đương mức này.

Nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo vừa được Bộ Công Thương tổng hợp đều nhấn mạnh: “Đây là bài toán khó, cần có giải pháp tháo gỡ”. Tiếp thu góp ý, đại diện tư vấn lập Quy hoạch điện VIII cho biết, hóa giải thách thức vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn tới, Dự thảo Quy hoạch lần này sẽ mang tính mở, tạo không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội.

Theo đó, tại Chương 18 Dự thảo đã đưa ra các cơ chế, giải pháp để thu hút đầu tư, đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện.

Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện mặt trời Việt Nam để thay thế cơ chế giá FIT đã bộc lộ hạn chế. Dự kiến, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện mặt trời sẽ áp dụng với những dự án quy mô lớn. Cùng với đó, dự kiến, tới đây, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

Cụ thể, theo Dự thảo, căn cứ danh mục kế hoạch đầu tư đã được ban hành, đơn vị tổ chức đấu thầu sẽ lựa chọn vị trí và quy mô xây dựng các công trình điện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và tùy từng loại hình nguồn điện sẽ sử dụng 3 phương án đấu thầu. Một là đấu thầu cho từng dự án áp dụng cho những dự án lớn. Hai là đấu thầu đại trà áp dụng cho các dự án điện gió và điện mặt trời đang được đề xuất bổ sung quy hoạch. Quy mô nguồn điện đấu thầu được tính toán theo từng tỉnh trên cơ sở phụ tải và lưới điện truyền tải của tỉnh đó, dự án nào có đề xuất tốt nhất sẽ được lựa chọn phát triển. Ba là đấu thầu khu vực để chọn nhà đầu tư phát triển dự án.

Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành. Năng lực của các nhà đầu tư được đánh giá kỹ lưỡng cả về năng lực kỹ thuật lẫn năng lực tài chính.

Nhằm tránh tình trạng nhà đầu tư “chây ì” thực hiện dự án sau khi trúng thầu, Bộ Công Thương nhấn mạnh yêu cầu cần có chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư không thực hiện dự án điện theo đúng cam kết về tiến độ. Chẳng hạn như trường hợp sau 1 năm nhà đầu tư dự án đã được giao trong kế hoạch không thực hiện các bước để triển khai đúng tiến độ, dự án sẽ được giao cho nhà đầu tư khác.

Đánh giá cao đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện nêu trên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng nhận định: “Rõ ràng đây là phương thức lựa chọn nhà đầu tư có nhiều ưu điểm, phổ biến trên thế giới. Thực hiện cơ chế này, chúng ta sẽ lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án thực sự có năng lực để đưa dự án về đích đúng tiến độ; đồng thời, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Nhà nước giảm được áp lực trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nhà đầu tư tư nhân cũng có cơ hội phát triển”.

Cùng với giải pháp áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện, Dự thảo cũng đề xuất các giải pháp khác để huy động vốn đầu tư phát triển điện như: cơ chế khuyến khích trợ giá FIT linh hoạt, hợp lý đối với những dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, cấp điện vào lưới điện hạ áp và trung áp; cơ chế hỗ trợ cho các dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao; hoàn thiện cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải…

Chuyên đề