Phát triển dự án điện mặt trời: Thí điểm đấu thầu sau năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, Dự thảo Cơ chế thí điểm đối với các dự án điện mặt trời (ĐMT) sau năm 2020 đã được Bộ Công Thương cơ bản hoàn tất và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Điểm đáng chú ý của Dự thảo là Bộ đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển ĐMT và sẽ không có cơ chế giá cố định (FIT) cho ĐMT sau năm 2020.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Phát triển mạnh mẽ

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 với chủ đề "Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới" vừa diễn ra, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, ĐMT Việt Nam đã phát triển bùng nổ sau khi các quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (QĐ11) và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (QĐ13) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam được ban hành.

Ông Hùng cho biết, theo Tổng sơ đồ VII, đến năm 2020, Việt Nam có 850 MW ĐMT. “Sau khi QĐ11 và QĐ13 được ban hành thì đến hết năm 2020 chúng ta có khoảng 10.000 MW ĐMT, gấp hơn chục lần về quy hoạch trong Tổng sơ đồ VII. Tất cả các quy hoạch ĐMT đã được phê duyệt và báo cáo đưa vào phê duyệt hiện là 19.230 MW”, ông Hùng nói.

Riêng đối với ĐMT mái nhà, số liệu vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật cho thấy, đến ngày 25/12/2020 đã có 83.000 công trình ĐMT mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Tổng sản lượng ĐMT mái nhà phát điện lên lưới lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Chia sẻ về định hướng cơ cấu nguồn năng lượng thời gian tới, Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng sẽ không đặt vấn đề phát triển các nhà máy điện than nữa mà chỉ duy trì các nhà máy điện than, còn mục tiêu hướng đến là phát triển năng lượng tái tạo.

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển điện mặt trời

Đề cập về chính sách phát triển ĐMT trong thời gian tới, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay: “Chính phủ đã có yêu cầu bắt buộc sau năm 2020 sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu để lựa chọn các chủ đầu tư phát triển các dự án ĐMT, đảm bảo quá trình lựa chọn khách quan, minh bạch. Thực hiện chỉ đạo này, hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Cơ chế áp dụng thí điểm đấu thầu phát triển các dự án ĐMT sau năm 2020 và sẽ không có giá FIT cho ĐMT sau năm 2020”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, đến nay, Dự thảo cơ bản hoàn tất và dự kiến Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I/2021. Cơ chế thí điểm này được thực hiện nhằm đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về chính sách, thể chế, quy trình thủ tục phục vụ cho nghiên cứu, đề xuất cơ chế đấu thầu phù hợp với bối cảnh Việt Nam…

Theo ông Dũng, nội dung cốt lõi của Dự thảo là Bộ đề xuất áp dụng thí điểm cơ chế đấu thầu phát triển các dự án ĐMT nhằm lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực phát triển dự án ĐMT thông qua quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch và cạnh tranh... Đây cơ sở xác định giá mua bán ĐMT.

Liên quan đến phát triển các dự án ĐMT, trước đó, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất cơ chế đấu thầu cho các dự án ĐMT, trong đó đề xuất 3 phương án.

Phương án 1 là đấu thầu cho từng dự án để bổ sung vào quy hoạch trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh và Viện Năng lượng thẩm định. Các dự án được lựa chọn là những dự án lớn, có điều kiện thuận lợi về: bức xạ tốt; điều kiện đấu nối tốt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để thực hiện đấu thầu theo hình thức này. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của EVN (hoặc theo đề xuất của Ngân hàng Phát triển châu Á, EVN trực tiếp xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi để phối hợp cùng UBND các tỉnh trình Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy hoạch).

Phương án 2 là đấu thầu đại trà. Đây là những dự án điện do các tỉnh đề xuất, đã phù hợp với quy hoạch đất đai của các tỉnh. Phương án này thực hiện trên nguyên tắc: kiểm tra điều kiện đấu nối cho mỗi vòng đấu thầu theo nguyên tắc EVN chỉ xây dựng các công trình lưới theo quy hoạch và chủ đầu tư chịu trách nhiệm các công trình đấu nối đến lưới điện do EVN sở hữu - có thể coi đây là vòng sơ loại...

Phương án 3 là đấu thầu theo khu vực, áp dụng cho tất cả các chủ đầu tư có nhu cầu, đấu thầu tại các khu vực hoặc trạm biến áp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

Chuyên đề