Gói thầu 43 tỷ tại Sở GD&ĐT Kon Tum: Bị tố “cài” kỹ thuật, nhà thầu nào dự?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian mời thầu, Gói thầu Mua sắm TB thuộc Dự toán Mua sắm trang TB dạy học cho các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, trường PTDT bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh năm 2024 do Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu ghi nhận kiến nghị về các tiêu chuẩn kỹ thuật được cho là bất cập, định hướng tại HSMT. Trên thực tế, biên bản mở thầu ngày 19/11/2024 ghi nhận chỉ có 1 nhà thầu tham dự, không có sự cạnh tranh.
Đối với thiết bị màn hình hiển thị (tivi) 65inch, HSMT yêu cầu “sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam và đăng ký bảo hộ tại Việt Nam”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Đối với thiết bị màn hình hiển thị (tivi) 65inch, HSMT yêu cầu “sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam và đăng ký bảo hộ tại Việt Nam”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 43,639 tỷ đồng, sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Kiến Nguyên là tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT).

Kiến nghị đến Bên mời thầu, một nhà thầu chỉ ra rằng, nhiều yêu cầu kỹ thuật chi tiết, mang tính cá biệt hóa, không thông dụng tại HSMT vô hình trung gây hạn chế cạnh tranh. Đơn cử, đối với thiết bị màn hình hiển thị (tivi) 65inch, HSMT yêu cầu “sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam và đăng ký bảo hộ tại Việt Nam”. Yêu cầu này bị cho rằng trái với quy định pháp luật đấu thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng về xuất xứ, bởi theo nhà thầu, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm không được lắp ráp tại Việt Nam song vẫn đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự (LG). Cũng theo nhà thầu, việc Bên mời thầu yêu cầu thiết bị này phải đáp ứng “Tiêu chuẩn 5S” là không có cơ sở, bởi đây là tiêu chuẩn do nhà máy sản xuất tự quy định và không có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nào yêu cầu, mô tả rõ về tiêu chuẩn 5S này.

Liên quan đến thông số hiển thị của thiết bị tivi nêu trên, HSMT quy định thông số “tuổi thọ bóng đèn: 66.000 giờ”. Đây là yêu cầu mà nhà thầu cho rằng quá cao, bởi các hãng sản xuất tivi/màn hình nổi tiếng trên toàn cầu như LG/Samsung/TCL/Sharp cũng chưa công bố có sản phẩm đạt đến tuổi thọ bóng đèn 66.000 giờ (trung bình các hãng chỉ đưa đưa ra tuổi thọ bóng đèn led của tivi là từ 30.000 - 60.000 giờ). “Với yêu cầu “khe cắm bộ giải mã truyền hình kỹ thuật số CI”, theo chúng tôi tìm hiểu và được biết, tại thị trường Việt Nam, các dòng tivi đều sử dụng bộ giải mã kỹ thuật số DVB-T2/C, còn bộ giải mã truyền hình kỹ thuật số CI chỉ sử dụng cho thị trường châu Âu/Bắc Mỹ”, nhà thầu nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, nhà thầu khẳng định, trường hợp HSMT nêu yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa (trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 56 của Luật Đấu thầu) hoặc đưa ra các yêu cầu kỹ thuật quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu đều là hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu. Đồng thời, kiến nghị Bên mời thầu xem xét, điều chỉnh HSMT. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được Bên mời thầu hồi đáp.

Theo biên bản mở thầu ngày 19/11/2024, nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An (trụ sở đăng ký kinh doanh tại Hà Nội). Theo tìm hiểu, đây là nhà thầu thực hiện hợp đồng gói thầu mua sắm thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum nhiều năm trước đó. Trong đó, giá trị hợp đồng năm 2023 là 13,54 tỷ đồng (giá gói thầu 13,96 tỷ đồng); năm 2021 là 29,596 tỷ đồng (giá gói thầu 29,901 tỷ đồng); năm 2020 là 17,303 tỷ đồng (liên danh với Công ty CP Đa Minh, giá gói thầu 17,369 tỷ đồng). Trong các danh mục hàng hóa trúng thầu, nhà thầu cung cấp sản phẩm tivi 65inch xuất xứ Việt Nam/mã hiệu DMLCD654K/DaMinh Corporation.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An được biết đến là đơn vị có năng lực cạnh tranh khá mạnh trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng thiết bị học đường khi từng có kinh nghiệm thực hiện hàng trăm hợp đồng trong vài năm trở lại đây, có thể kể đến Gói thầu số 03 Mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (21,746 tỷ đồng), Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 10, lớp 11 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai (20,275 tỷ đồng), Gói thầu Mua sắm thiết bị cho các cơ sở giáo dục thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (20,38 tỷ đồng)...

Chuyên đề