Luật Bất động sản 2014 (Điều 62) quy định các tổ chức, cá nhân tham gia môi giới bất động sản phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh: Nhã Chi st |
Gia tăng nhanh số người môi giới BĐS
Chỉ tính riêng con số giao dịch BĐS thành công năm 2015 ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì đã có thể thấy được số lượng giao dịch BĐS trong cả nước là không nhỏ. Riêng ở Hà Nội năm 2015 là gần 20.000 giao dịch và ở TP.HCM là khoảng 18.700 giao dịch. Trong bối cảnh mỗi năm nước ta tăng gần 1 triệu dân, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, hàng năm có một lượng người không nhỏ chuyển từ nông thôn ra thành thị thì nhu cầu về nhà ở đang tăng lên, vì thế dự báo con số giao dịch BĐS cũng sẽ tăng lên qua từng năm trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, chi phí môi giới cho mỗi giao dịch BĐS thông thường dao động từ 0,5 - 2% giá trị hợp đồng mua bán BĐS, tỷ lệ này tùy thuộc vào giá trị hợp đồng và thỏa thuận của bên mua, bên bán với người môi giới (nếu hợp đồng có giá trị nhỏ thì % môi giới tăng lên, và nếu hợp đồng có giá trị lớn thì % môi giới thường dưới 1% giá trị hợp đồng).
Do những món tiền mà người môi giới nhận được không hề nhỏ, nên thời gian qua, lượng người tham gia vào hoạt động môi giới BĐS nở rộ, không chỉ ở các sàn giao dịch (số lượng sàn giao dịch tăng lên, nhân sự làm việc tại các sàn giao dịch BĐS cũng tăng lên), mà cả những người môi giới không chính thống, kiểu “làm thêm”, “làm cố” cũng tăng mạnh. Và cũng có những hệ lụy rủi ro cho người mua nhà đã xảy ra như mua BĐS của dự án “ma” (dự án chưa được cấp phép mà chủ đầu tư đã ẵm tiền của người dân), mua phải BĐS xây trái phép, chậm tiến độ (nộp tiền mà mãi không nhận được nhà)…
Hãy luôn là người tiêu dùng thông minh
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, số lượng cá nhân, tổ chức tham gia môi giới BĐS hiện nay rất lớn (cả chính thống lẫn không chính thống), họ có vai trò rất quan trọng trong việc minh bạch thị trường BĐS. Thế nhưng, đa số đội ngũ môi giới hiện nay đều không qua đào tạo, thiếu kiến thức về chuyên môn, chưa được ràng buộc bởi đạo đức kinh doanh (thiếu đạo đức nghề nghiệp), trong khi ở nhiều nước trên thế giới, các tổ chức môi giới BĐS phải tuyên thệ, phải đem lại lợi ích cho người mua BĐS. Chính vì thế, người mua BĐS ở Việt Nam vẫn gặp phải không ít rủi ro. Để cải thiện và giảm bớt tình trạng “cò” BĐS lừa người mua, trong năm 2016, công tác đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS sẽ được đẩy mạnh.
Theo quy định của Luật BĐS 2014 (Điều 62), các tổ chức, cá nhân tham gia môi giới BĐS phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản đã có hiệu lực thi hành từ ngày 16/2/2016. Các chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ góp phần minh bạch các hoạt động kinh doanh BĐS, tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường BĐS bởi lẽ, khi quy định này đi vào cuộc sống, những người hành nghề môi giới BĐS sẽ được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức chuyên môn thì mới được cấp chứng chỉ, người mua cũng sẽ được người môi giới có chứng chỉ cung cấp đầy đủ thông tin, có đủ căn cứ để cân nhắc, xem xét trước khi thực hiện các giao dịch BĐS.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, ngay cả khi quy định này có hiệu lực rồi, bản thân mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, phải nâng cao nhận thức để biết cách giữ tiền của cá nhân, mỗi khi có ý định mua bán BĐS, hãy lựa chọn các tổ chức, cá nhân có uy tín, được cấp phép, có chứng chỉ hành nghề đàng hoàng để được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan, đừng để những người môi giới BĐS “chui” nói gì cũng tin, tránh trường hợp sau khi bị lừa lại đi kêu chính quyền can thiệp.