Bình chọn 10 quy định pháp luật tốt nhất, 10 quy định tồi nhất

(BĐT) - Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) vừa tổ chức Hội thảo khởi động Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất. Dự kiến, kết quả Cuộc bình chọn sẽ được công bố vào ngày 28/4/2016.
Cuộc bình chọn sẽ dựa trên 10 tiêu chí. Ảnh: Bích Thủy
Cuộc bình chọn sẽ dựa trên 10 tiêu chí. Ảnh: Bích Thủy

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, mục đích của cuộc bình chọn này là nhằm cổ vũ, biểu dương các quy định pháp luật có chất lượng, tác động tốt đối với doanh nghiệp; cảnh báo các quy định chưa phù hợp. Việc bình chọn này nhằm giám sát các chính sách được ban hành cũng như công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành; hoàn thiện các tiêu chí đánh giá pháp luật giúp thay đổi và cải thiện chất lượng các văn bản pháp luật về kinh doanh như giảm chi phí tuân thủ, hạn chế rào cản gia nhập thị trường, giảm thiểu nguy cơ cho tham nhũng, phân biệt đối xử…

Đánh giá cao mục đích của Cuộc bình chọn, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Không thể ngồi chờ các cơ quan quản lý nhà nước thay đổi, rất khó đạt được sự thay đổi nếu không tạo áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài để thay đổi nhận thức, tạo động lực thay đổi từ nội sinh. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng văn bản quy phạm pháp luật”.

Giới thiệu về Cuộc bình chọn, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI cho biết, từ 30 - 50 quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh do cấp trung ương ban hành đã và sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm 2014 - 2015, Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 quy định pháp luật tốt nhất và 10 quy định pháp luật tồi nhất. Cuộc bình chọn dựa trên 10 tiêu chí: tính cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành có hiệu lực. Đối tượng tham gia Cuộc bình chọn là khoảng 400 hiệp hội doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 70%), và các tổ chức, cá nhân trong xã hội (chiếm tỷ trọng 30%).

Chuyên đề