Không thay đổi Chương trình xây dựng luật năm 2016

(BĐT) - Qua quá trình thảo luận, các bộ luật được đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 “đều có vấn đề”, chất lượng chưa ổn. 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Dự án Luật Biểu tình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ 11, tháng 3/2016. Ảnh: Nhàn Sáng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Dự án Luật Biểu tình lên Quốc hội vào kỳ họp thứ 11, tháng 3/2016. Ảnh: Nhàn Sáng

“Tôi đề nghị cứ giữ Chương trình như hiện tại, bởi chưa đủ căn cứ và điều kiện để bổ sung thêm” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như vậy tại Phiên khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra sáng ngày 17/2/2016.

Chưa đủ căn cứ để bổ sung

Trong Phiên khai mạc, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã trình bày Tờ trình đề nghị đưa Dự án Luật Hành chính công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016). Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) cũng bày tỏ tán thành và cho rằng, đây là sáng kiến lập pháp của đại biểu QH với sự chuẩn bị rất công phu, với sự đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Sáng kiến xây dựng Luật hành chính công nhằm quy định về hoạt động hành chính công, dịch vụ hành chính công trong một đạo luật để người dân tiện theo dõi, tiếp cận là rất có ý nghĩa.

Song, trong Báo cáo ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình của UBPL cũng chỉ ra rằng, hiện dự án Luật hành chính công chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ nên chưa đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đánh giá về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc chuẩn bị xây dựng Dự án Luật Hành chính công trước hết phải xem xét, chuẩn bị rất kỹ và sự chuẩn bị đầu tiên là ở hướng đi xem có đúng không? Cách suy nghĩ trong việc xây dựng Dự án Luật Hành chính công đang “rất mơ màng và không thực tế chút nào”. Bởi, nếu nền hành chính quốc gia được xây dựng, trong đó có hành chính công, thì đối diện với nó phải có nền hành chính tư có được không? Hiện nay, một số nội dung hành chính công đang được xã hội hóa (như luật sư, luật gia, công chứng, thừa phát…), vậy nếu Luật Hành chính công được ra đời thì nó sẽ trùm lên cả những nội dung đã được xã hội hóa đó thì những vấn đề đó lại bị “diệt hết”, như vậy Luật này có thực thi không? – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.

Đối với Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện được Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XIV (tháng 10/2016), Thường trực UBPL cho biết, thủ tục của việc trình Dự án Luật này cũng thiếu văn bản có ý kiến chính thức của các thành viên Chính phủ và cần phải bổ sung, hoàn thiện nội dung hồ sơ theo đúng quy định. 

Không đồng ý việc lùi trình Dự án Luật Biểu tình

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thông tin, Chính phủ vừa có Tờ trình số 30 ngày 16/2/2016 về việc xin lùi thời gian trình Luật Biểu tình ra Quốc hội. Do có những vấn đề mới phát sinh nên Tờ trình này chưa có được ý kiến thẩm tra của UBPL.

Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra UBTVQH nên Ủy ban chưa biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Như vậy là rất thiếu nghiêm túc.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Giải trình trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo Dự án Luật Biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết 9 năm thực hiện Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, rà soát các quy định pháp luật có liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu…

“Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau, có ý kiến còn 50/50 như việc đối tượng được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền đăng ký biểu tình, có nên áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn trật tự xã hội… Do đó, Chính phủ cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để đạt được đồng thuận cao hơn” – ông Hà Hùng Cường thông tin.

Song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cương quyết: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra UBTVQH nên Ủy ban chưa biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Như vậy là rất thiếu nghiêm túc”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm, quyền biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân, việc lùi đi lùi lại mãi cũng không thể lùi được bao lâu nữa. Việc lùi lại quá nhiều lần như thế này thậm chí sẽ ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh, Luật Biểu tình là luật cuối cùng luật hoá quyền của công dân theo Hiến pháp. “Sự cần thiết của luật này là rất quan trọng, tôi biết Bộ Công an cũng khẩn cấp làm ngay luật này để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường trật tự xã hội. Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng Nghị định 38 để hạn chế quyền công dân là trái Hiến pháp”.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình Dự án Luật Biểu tình lên Quốc hội theo đúng Chương trình đã được quyết định (tức là vào Kỳ họp thứ 11 Quốc hội XIII - tháng 3/2016).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư