Cần nhà thầu tư vấn đủ tầm để tái cấu trúc nông nghiệp TP.HCM

(BĐT) - Việc tìm kiếm nhà tư vấn để lập quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được TP.HCM khẩn trương tiến hành. Nhưng để tái cấu trúc lĩnh vực này xứng tầm thì còn nhiều việc phải làm.
Ứng dụng công nghệ cao là giải pháp tối ưu để phát triển nông nghiệp TP.HCM. Ảnh: LTT
Ứng dụng công nghệ cao là giải pháp tối ưu để phát triển nông nghiệp TP.HCM. Ảnh: LTT

Cần tầm nhìn đến năm 2030

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM đã thông báo mời thầu gói thầu tư vấn Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Sở này cũng mời thầu gói thầu Điều chỉnh quy hoạch sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và xây dựng bản đồ chuyên đề.

Việc đấu thầu nhằm tìm nhà tư vấn đủ tâm và tầm để hoạch định chiến lược, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ cao, là rất cấp thiết, phù hợp xu thế hội nhập sâu khi bước vào những “sân chơi” như TPP, AEC... Đây là những động thái sau khi TP.HCM được chọn là một trong mười địa phương sẽ quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 5/2015. Theo đó, TP.HCM được quy hoạch là vùng sản xuất rau và sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trong danh mục các khu nông nghiệp công nghệ cao quy hoạch đến năm 2020 của cả nước thì có Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM với lĩnh vực chính là trồng trọt (giống và sản phẩm rau, hoa quả) và thuỷ sản (cá cảnh).

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, do không có lợi thế về thời tiết như Đà Lạt, không có đất đai màu mỡ như vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố sẽ đi theo hướng phát triển giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh thành lân cận.

Trong Quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM đến năm 2020 sẽ có 82.022 ha đất nông nghiệp. Nhưng trước tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ nên đất có khả năng sản xuất được dự báo sẽ thấp hơn nhiều, tập trung ở 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Do đó, nông nghiệp công nghệ cao và mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái là sự lựa chọn tốt nhất của Thành phố trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ sạch hơn, xây dựng các mô hình canh tác theo từng vùng sinh thái. Để đến năm 2025 đưa sản xuất nông nghiệp của TP.HCM đạt trình độ thâm canh và ứng dụng công nghệ cao ngang tầm khu vực.

Mục tiêu của Thành phố là đến năm 2020, trên 80% diện tích cây rau quả, trên 60% sản lượng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn; 80 - 100% sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, thị trường, được tiêu thụ ổn định thông qua ký kết hợp đồng và phân phối tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. 

Khuyến khích PPP, gỡ nút thắt vốn

Xét về quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này cần được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ở TP.HCM vẫn chưa tương xứng với tiềm năng (hiện có hơn 200 doanh nghiệp).

Theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, thủ tục vay vốn và hạ tầng đất đai là những khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM gặp phải. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) băn khoăn là mức ưu đãi cho họ chưa cao, thủ tục chậm, khó tìm diện tích đất lớn để triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao… nên chưa dám mạnh dạn đầu tư.

Trong khi đó, theo chủ trương chung, đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là điều nên làm. Trong đó, phần vốn từ ngân sách sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, đầu tư sản xuất, dịch vụ trong khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Theo giới chuyên gia, để khuyến khích thì Thành phố cần các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với khu sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hơn nữa, cần có cơ chế thoáng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư trang thiết bị.

Nói như TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần tính tới giải pháp đột phá, thống nhất từ chủ trương đến quá trình ban hành chính sách và triển khai thực hiện. Đây cũng là vấn đề mà chính quyền TP.HCM cần lưu tâm nhằm tái cấu trúc nông nghiệp công nghệ cao xứng tầm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư