Ảnh Internet |
Kinh tế nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà, với các sản phẩm có chất lượng cao và trình độ quản lý hiện đại của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, trình độ của chúng ta còn nhiều hạn chế, sản phẩm của ta ít có tính cạnh tranh.
Đó là nhận định của ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE) tại hội thảo “Hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nông nghiệp” được tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là về đất đai, vốn và công nghệ. Hiện cả nước mới chỉ có 6 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Khảo sát của Dự án Vườn ươm Sáng tạo Việt Nam do BK-Holdings thực hiện cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu chuyển dịch từ sản xuất nguyên liệu thô sang chế biến mang lại giá trị gia tăng cao nhằm mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường phát triển. Và việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới thông qua các chương trình hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ đang hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.