Báo động tình trạng hủy thầu tùy tiện

(BĐT) - Theo khảo sát sơ bộ của Báo Đấu thầu, gần đây có rất nhiều bên mời thầu (BMT) tùy tiện hủy thầu mặc dù lý do hủy thầu không nằm trong 4 trường hợp được pháp luật cho phép. Điều đáng nói là tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng hiện chế tài của pháp luật vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tính theo thời gian đóng thầu, từ ngày 2/1/2020 - 1/2/2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại thời điểm khoảng 14h chiều ngày 2/1/2020 ghi nhận 56 gói thầu được các bên mời thầu thông báo hủy thầu, trong đó có 23 gói thầu xây lắp; 21 gói thầu hàng hóa; 12 gói thầu tư vấn.

Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu, có 4 trường hợp hủy thầu, bao gồm: tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, HSYC; HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Căn cứ theo quy định nêu trên, chỉ có 8/56 gói thầu (chiếm 14,2% số gói thầu hủy thầu) được bên mời thầu hủy thầu đúng theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Còn lại phần lớn việc hủy thầu xuất phát từ nguyên nhân cẩu thả, thiếu thận trọng, thiếu trách nhiệm của các BMT.

Đơn cử, Bệnh viện Mắt Trung ương đã thông báo hủy thầu cùng lúc 2 gói thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu sửa chữa thay thế phụ kiện, bảo dưỡng trang thiết bị y tế bằng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2019 của Bệnh viện. Lý do mà BMT này đưa ra là, thông tin đăng tải bị sai so với quyết định được phê duyệt. 2 gói thầu này theo thông báo đăng tải sẽ được đóng thầu vào chiều ngày 8/1/2020.

Công ty Điện lực Quảng Ninh hủy thầu Gói thầu Mua sắm dây dẫn khu vực Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Lý do được BMT đưa ra là đăng tải nhầm giá gói thầu.

Ngoài ra, nhiều BMT khác cũng có lý do đăng tải nhầm hình thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh thành đấu thầu rộng rãi; đăng nhầm kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nhầm phương thức lựa chọn nhà thầu từ 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ thành 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ.

Công ty CP Thiết bị Xăng dầu Petrolimex hủy thông báo mời thầu Gói thầu số 3 Phần xây lắp và thiết bị thuộc Dự án Trụ sở, văn phòng Công ty. Lý do là cán bộ thực hiện công tác đăng tải thông báo mời thầu có lỗi thao tác máy tính nên đăng nhầm thời gian đóng thầu của Gói thầu vào ngày 23/1/2020 (tức ngày 29 Tết Nguyên đán - là ngày nghỉ theo quy định).

Thậm chí, có trường hợp lý do của BMT đưa ra để hủy thầu khiến cho các nhà thầu khó chấp nhận được. Tại Gói thầu Công trình tuyến giao thông Bình An - Bình Quế do UBND xã Bình An (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm bên mời thầu, theo kế hoạch Gói thầu sẽ được mời thầu từ ngày 31/12/2019 - 10/1/2020. Tuy nhiên, BMT đã hủy thầu với lý do cuối năm UBND Xã có nhiều việc cần phải xử lý nên tạm thời xin hủy thông báo mời thầu. Việc mời thầu lại không được BMT này thông báo cụ thể mà chỉ hứa hẹn “trong thời gian tới”.

Có thể thấy, hiện phần lớn các gói thầu bị hủy thầu không xuất phát từ thực tiễn khách quan mà đến từ sự thiếu trách nhiệm, cẩu thả, thậm chí tùy tiện của BMT.

Hiện, pháp luật về đấu thầu chỉ có quy định xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu đối với 2 trường hợp: Một là, HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án. Hai là, có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Theo một chuyên gia đấu thầu, mặc dù việc hủy thầu là quyết định của BMT và BMT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình, nhưng nếu việc hủy thầu là không xác đáng, thậm chí “tùy tiện” như một số trường hợp nêu trên thì cần có thêm chế tài đối với các trường hợp hủy thầu tùy tiện, làm chậm tiến độ của gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Chuyên đề