Xác lập đẳng cấp mới cho nền kinh tế

(BĐT) - Nông nghiệp khó khăn, doanh nghiệp (DN) trong nước phục hồi chậm, nợ công tăng nhanh, năng lực cạnh tranh thấp do tái cơ cấu nền kinh tế chậm là những thách thức lớn mà nền kinh tế Việt Nam phải đối diện trong năm 2016. 
Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển khiến nhiều ngành công nghiệp khó tồn tại khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Ảnh: Tiên Giang
Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển khiến nhiều ngành công nghiệp khó tồn tại khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Ảnh: Tiên Giang

Loay hoay ứng phó ngắn hạn

Tại Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh hội nhập” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 3/3, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, trong 5 năm qua, các chính sách và giải pháp Chính phủ thực thi đều kiên trì với 3 mục tiêu ưu tiên đề ra từ năm 2011 là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường để có tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó đã thực hiện thành công bước đầu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: Đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo TS. Trần Du Lịch, như vậy tức là chủ yếu ứng phó với các vấn đề ngắn hạn, chứ chưa giải quyết được căn cơ các vấn đề trung, dài hạn đang đặt ra từ nội tại của cơ cấu kinh tế. “Nền công nghiệp gia công kéo dài, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển dẫn đến nhiều ngành công nghiệp khó tồn tại khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Trong 5 năm qua, kênh đầu tư công đã có tác động đáng kể đến sự tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng, nhưng trong những năm tới phải cắt giảm nợ công, giảm lượng trái phiếu chính phủ phát hành nên dư địa của chính sách tài khóa kích thích tổng cầu sẽ không còn nhiều. TS. Trần Du Lịch cho rằng, tham gia WTO, FTA, AEC, TPP… là đưa nền kinh tế phát triển theo hướng tự do hóa thương mại và tính chất thị trường nhiều hơn, đầy đủ hơn trong quan hệ kinh tế. Nhưng điều đó không có nghĩa làm giảm vai trò điều hành vĩ mô và hỗ trợ DN của Nhà nước, mà ngược lại, trách nhiệm và vai trò của Nhà nước sẽ nặng nề hơn. Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế phải được đổi mới phù hợp với điều kiện hội nhập và sự vận hành của thị trường thế giới.

Đồng tình với nhận định này, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, việc tháo gỡ khó khăn ngắn hạn để giải quyết tình thế là rất khó trước hội nhập. Thay đổi mô hình tăng trưởng hiện nay thực chất vẫn chưa rõ ràng, vẫn “hì hục” tháo gỡ. Về phía DN nội địa đang có khái niệm DN ngày càng nhỏ dần về tầm vóc và quy mô trong khi “trò chơi” hội nhập ngày càng lớn và đòi hỏi đẳng cấp ngày càng cao. Vấn đề trước hội nhập là chúng ta đang thiếu những DN tư nhân tầm cỡ lớn. 

Nhà nước cần phát huy vai trò “bà đỡ”

Theo ông Trần Đình Thiên, trong cấu trúc DN, tồn tại lớn nhất của năm 2015 để lại cho năm 2016, hay 5 năm trước để lại cho 5 năm tiếp theo vẫn là khu vực kinh tế nội địa chưa thực sự chuyển biến mạnh. Nói nôm na là “điểm nghẽn vĩ mô” dù có tháo mãi vẫn chưa xong. Điều quan trọng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, theo ông Thiên là cần tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc khu vực kinh tế bên ngoài (trực tiếp là từ Trung Quốc) như thế nào mà vẫn hưởng những lợi ích cùng chia sẻ? Và liệu nền kinh tế đi sau như Việt Nam có chịu “đu bám” để leo lên đẳng cấp cao hơn trước các FTA? “Việc thoát khỏi cấu trúc cũ đòi hỏi những nỗ lực của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới cần định hình rõ vấn đề này”, ông Thiên nhấn mạnh.

Để giải quyết những khó khăn nội tại, ông Trần Đình Thiên đề xuất, cần gỡ nút thắt nợ xấu - lạm phát - lãi suất theo hướng hỗ trợ DN, đẩy mạnh cổ phần hoá DN nhà nước thực chất và cần tăng cường sự hiểu biết hội nhập cụ thể cho DN. Hơn nữa, nên thay đổi phương thức tổ chức kinh doanh nông nghiệp, và xác định rõ những thay đổi nền tảng cần thiết để tạo lập hệ thống ngân hàng mới (hậu tái cơ cấu).

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, điều quan trọng là tạo dựng niềm tin đối với khu vực kinh tế tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy đầu tư. Điều này phụ thuộc vào cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách cơ cấu, cách thức tương tác giữa Nhà nước, DN và thị trường.

Nói như TS. Trần Du Lịch, DN Việt Nam cần một môi trường khả dĩ nuôi dưỡng sự sáng tạo. Một thể chế kinh tế ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường và bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Bước vào năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một xu hướng như vậy.     

Chuyên đề

Kết nối đầu tư