Sức bật nền kinh tế 2016

Vào những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết những thông tin vui khi ước năm 2015, GDP đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%.
Sức bật nền kinh tế 2016

Nhiều dự báo về bối cảnh phát triển kinh tế 2016 đã được đưa ra trong đó đề cập đến cả những mặt thuận lợi và không thuận, song đều có một điểm chung là cần nỗ lực rất lớn mới có thể vượt qua được những thách thức phía trước.

Kinh tế thế giới phục hồi và cuộc chạy đua giữa các cường quốc đang dẫn đến nhiều chính sách mới về tiền tệ, thương mại, tạo ra những chuyển động khó lường với các doanh nghiệp cũng như các nhà tạo lập chính sách. Những áp lực của hội nhập, cạnh tranh quốc tế và khu vực cùng với những chủ trương chính sách mới được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc chắc chắn sẽ đòi hỏi Chính phủ cũng như từng doanh nghiệp, cá nhân phải hành động quyết liệt hơn.

Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trên bình diện cả nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng không có con đường nào khác là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh vào sử dụng nguồn vốn con người, phát huy sức mạnh trí tuệ con người, thay cho nguồn vốn đầu tư cũng như các nhân tố phát triển theo chiều rộng khác.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ sẽ phải tính toán để từ bỏ con đường phát triển dựa vào mở rộng bội chi ngân sách, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, khai thác tài nguyên và lao động rẻ tiền. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học và thực hiện triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Một thể chế kinh tế thị trường thực sự lành mạnh, theo các chuẩn mực quốc tế để động viên sức mạnh của toàn dân, toàn thể cộng động doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Sức bật nền kinh tế 2016 ảnh 1

Với thị trường chứng khoán, lợi thế lớn nhất trong vài năm gần đây, là nền kinh tế đã đạt được sự ổn định về vĩ mô. Thị trường trong hai năm vừa qua có những sự phát triển nhất định tuy nhiên, chúng ta sẽ phải làm gì để có thể làm tốt hơn thế? Trước mắt là rất nhiều việc phải giải quyết mới mong thị trường sẽ thêm hấp dẫn với các nhà đầu tư. Đầu tiên là việc thực thi quyết định nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc đưa thêm nhiều doanh nghiệp điển hình của nền kinh tế lên niêm yết để có thể tạo ra một rổ hàng gồm các công ty phát triển bền vững mà nhà đầu tư có thể yên tâm bỏ vốn. Việc tạo ra những chính sách thông thoáng để giữ dòng vốn ngoại ở lại và kéo vốn mới vào thị trường nhằm gia tăng thanh khoản và quy mô của thị trường chứng khoán.

Chứng khoán muốn phát triển bền vững theo định hướng của cả nền kinh tế cần có thêm nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia vào thị trường. Trong khi đó, theo phản ánh của các nhà đầu tư, nhiều thủ tục gia nhập thị trường của chúng ta vẫn còn phức tạp, văn bản của bộ ban ngành này vô hiệu hóa quy định của cơ quan kia… Điều này sẽ rất khó tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường quyết liệt hơn.

Sức bật nền kinh tế 2016 ảnh 2

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có một thị trường chứng khoán hiệu quả, một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Song thực tế đã cho thấy càng bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam càng trở lên mạnh mẽ. Năm mới, khó khăn mới sẽ tạo sức ép để chúng ta phải đổi mới, phải hành động sáng tạo hơn để bảo vệ những thành quả đã đạt được và tiếp tục tăng trưởng đúng hướng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư