Ảnh Internet |
Các hiệp hội phải đóng vai lớn
Một số vấn đề nóng đang được các chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp lưu tâm trước thềm AEC là liệu quy mô hay tốc độ sẽ thắng? Cá lớn nuốt cá bé hay cá nhanh nuốt cá chậm? Vai trò, tiếng nói của các hiệp hội doanh nghiệp ở đâu trong “sân chơi” này?
Trong buổi nhóm họp mới đây giữa các doanh nghiệp với giới chuyên gia kinh tế tại TP.HCM để bàn về các thách thức của AEC, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nói rằng, đã bước chân vào AEC thì doanh nghiệp không thể đứng ngoài, phải chấp nhận trả giá, kiện thưa, phải hiểu biết để cạnh tranh, cố gắng đạt đủ điều kiện để làm ăn với các đối tác trong khu vực. Cái rủi ro đối với chúng ta là nếu không đầu tư đúng mức để phòng ngừa rủi ro thì sẽ phải trả giá đắt.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Thòn, vai trò, tiếng nói của các hiệp hội cần mạnh mẽ hơn, hỗ trợ, sát cánh với các doanh nghiệp nhiều hơn khi bước vào “cuộc chơi” AEC chứ không chỉ ngồi lại với nhau chỉ nói chuyện cho vui.
Kết quả khảo sát vừa công bố của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) cho thấy, có đến 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng AEC không có ảnh hưởng đáng kể đến việc kinh doanh của mình.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, hầu như chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN đã chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình hội nhập. Các chính phủ đã chuẩn bị thực hiện các điều luật quốc tế với các biện pháp đầy bản lĩnh và “lão luyện” để tận dụng cơ hội, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của họ và xử lý các thách thức với sự lắng nghe chuyên gia, doanh nghiệp đúng mức.
Nói về vấn đề này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lo ngại rằng, dù về độ phức tạp thì AEC không so bằng TPP, nhưng không phải là không có thách thức. Khi tham gia vào các FTA, việc các doanh nghiệp nước ngoài có thể kiện các chính phủ không phải hiếm, về phía Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị ra sao để không bị động? Còn các hiệp hội ngành nghề đã vận dụng được gì, rút kinh nghiệm gì để trang bị cho doanh nghiệp trước sân chơi này sau khi trải nghiệm thực tế đầy thách thức từ WTO?
“Vấn đề doanh nghiệp quan tâm là quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế tư nhân như thế nào, từ WTO cho đến TPP, AEC có khác biệt chỗ nào? Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ muốn làm ăn riêng mà không muốn hiệp lực cho mạnh lên. Làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải hiểu biết về AEC, TPP hay các FTA khác? Các hiệp hội phải đóng vai trò lớn trong chuyện này” - bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.
Sức ép cạnh tranh
Liệu khi bước chân vào AEC thì các doanh nghiệp nội sẽ vấp phải sức cạnh tranh lớn hơn? TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận định, thương mại nội khối giữa Việt Nam và các quốc gia khối ASEAN còn khá thấp (chỉ khoảng 25%) so với hai thị trường chính của Việt Nam là Mỹ và EU, nên cơ cấu thương mại trong AEC sẽ mang tính cạnh tranh hơn là bổ sung cho nhau.
Nhưng một điều mà TS. Trương Minh Huy Vũ lưu ý là, vai trò của các hiệp hội ngành nghề cực kỳ quan trọng khi vào AEC, trong đó đối tượng chú ý nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều họ cần nhất là tư vấn về thị trường và họ phải tự bảo vệ mình khi đối mặt các rủi ro. Tuy nhiên, trở ngại lớn với các đối tượng này là muốn người khác đầu tư và mình thụ hưởng, tạo ra tâm lý cản trở cung cấp hàng hoá công. Để Nhà nước tháo gỡ nút thắt này thì đòi hỏi một quá trình dài.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Chính phủ cần có các chính sách tín dụng ưu đãi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn vay nhằm đầu tư cải tiến hạ tầng, máy móc thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) thì cho rằng, cách làm của Nhật Bản rất đáng để ta tham khảo khi biết tận dụng sức mạnh của các hiệp hội doanh nghiệp. Mà muốn vậy thì các hiệp hội phải thật sự mạnh.
Những vụ kiện phòng vệ thương mại cũng là một thách thức lớn hiện nay khi vào AEC. Theo các chuyên gia kinh tế, những vụ kiện và các cơ chế tự vệ là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, nhưng nói ví von như phía ta chỉ lập được hàng rào phòng vệ cao 1,2 m trong khi phía họ cao đến 1,8 m thì họ nhảy qua mình cái một. Cho nên, việc đề xuất thiết lập phòng vệ thương mại vẫn vấp phải những nghi ngại. Thực tế, không phải các vụ kiện phòng vệ thương mại không phải vụ nào cũng xấu, quan trọng là kiện cái gì và làm sao để tránh bị kiện.