TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng còn thẳng thắn, việc trước mắt là AEC dường như đang bị mờ đi với vòng hào quang của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn đang được cho mới chỉ là những lời hứa.
“Mỹ và Nhật Bản, hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong khối TPP vẫn im lặng về hiệp định này. Tại Mỹ, không ít ý kiến cho rằng, TPP sẽ mang đến những dấu hiệu bất lợi như việc nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa, thất nghiệp gia tăng do các công ty Mỹ sẽ tìm các nước có lao động giá rẻ để đầu tư nhằm giảm chi phí…”, ông Hiếu cung cấp thông tin.
Về nguyên tắc, sự lo lắng của TS. Nguyễn Trí Hiếu trước sự hào hứng thái quá với TPP là có lý do. Vì với Mỹ, chỉ khi hoàn tất cuộc bầu cử vào đầu năm tới, có Tổng thống mới thì TPP mới được đưa ra trước Quốc hội. Nếu mọi việc thuận lợi, sớm nhất, phải đến năm 2018, các cam kết được chờ đợi trong TPP mới có thể được thực thi.
Đây là lý do khiến ông Hiếu tỏ ra sốt ruột với sự thờ ơ với AEC.
Đồng tình với quan điểm trên, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) còn cho rằng, đang có nhiều người nghĩ đơn giản về AEC và mặc định đây sẽ là một cộng đồng ổn định.
“Tôi lo nhất là cách tiếp cận từ các nhà hoạch định chiến lược quốc gia. Hình như họ coi đây là giai đoạn ổn định, trôi chảy”, ông Nguyễn Mại nói.
Đây còn là lý do khiến các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương hơn nữa trong việc chuẩn bị gia nhập AEC, nếu không sẽ đánh mất cơ hội mở rộng thị trường và đối mặt với những thách thức cạnh tranh khắc nghiệt ngay trên sân nhà.
“Ở nhiều nước như Malaysia, Thái Lan..., việc chuẩn bị của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh đã tới được các doanh nghiệp”, ông Mại nói.
Đánh giá về cơ hội của Việt Nam khi bước vào ngôi nhà chung AEC, ngoài số ít tín hiệu được cho là lạc quan, các chuyên gia đều tỏ ra khá dè dặt. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi hệ thống thuế quan được cắt giảm theo cam kết, chắc chắn sẽ có rất nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên để bảo hộ thị trường nội địa trong từng thành viên AEC. “Vì vậy, không dễ có đột biến về tăng trưởng, xuất khẩu trong 1 -2 năm tới. Các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam cũng sẽ không dễ đối chọi với các doanh nghiệp trong AEC khi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị xếp vào hàng dưới”, ông Doanh nói.
Đặc biệt, ông Doanh rất lo về sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và lao động quản lý cấp trung gian. “Một công ty may ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) sử dụng lao động 'cấp cao' là người Philippines và Sri Lanka, không có người Việt Nam. Tôi nghĩ đây là điều đáng báo động. Chúng ta phải sớm thay đổi chương trình giáo dục và đào tạo để có thể thay đổi được chất lượng lao động”, ông Doanh đề xuất và cho rằng, sự chuẩn bị của Việt Nam với AEC là chậm chạp.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, AEC khác với Liên minh châu Âu (EU). Trong khi EU có văn hóa giống nhau, trình độ phát triển tương đối đồng đều và không có nhiều rào cản về địa lý, thì thành viên AEC có sự khác biệt về văn hóa, trình độ phát triển, địa lý.
Vì vậy, theo ông Du, am hiểu văn hóa các nước ASEAN là yếu tố hết sức quan trọng để có thể được hưởng lợi khi bước chân vào cộng đồng này.