Vẫn tự phát trong liên kết vùng

(BĐT) - Tại Hội thảo “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đã đưa ra khuyến nghị cần hạn chế sự phân tách giữa các địa phương trong vùng kinh tế.
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet

Nhìn vấn đề liên kết vùng trong phát triển kinh tế, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng hiện nay Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế chính sách. Theo ông Huệ, Việt Nam có 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm, nhưng có nhiều tỉnh chưa biết nằm vào vùng nào.

Tán thành quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tán thành: “Liên kết vùng hiện nay vẫn dưới dạng tự nguyện, tự phát là chủ yếu, thích thì làm không thích thì thôi hoặc làm kiểu chiếu lệ”. Thậm chí, một số chuyên gia kinh tế khác nhìn nhận, hiện trạng liên kết vùng hiện nay là “kỳ dị”.

Từ thực trạng đó dẫn đến hiện có nhiều quy hoạch phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn. Xu hướng “đua tranh” không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng có cơ hội “nở rộ” thông qua việc thiết lập những cơ chế ưu đãi quá mức.

Bất cập này càng bộc lộ rõ hơn khi mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả nhiều vấn đề như: biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây Nguyên; phát triển hạ tầng, quản lý ô nhiễm và đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm…

Để liên kết vùng thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa kiến nghị, các bộ, ngành cần quan tâm đến các dự án trọng điểm của vùng, đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời cần hoàn thiện hệ thống giao thông của vùng; giải quyết bài toán xung đột lợi ích về tài chính cho vùng.

Bằng góc độ tài chính, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần phải điều phối tốt hơn trong mối liên hệ giữa các địa phương trong vùng, huy động tốt các bên liên quan để có biện pháp tối ưu cho các địa phương. Theo đại diện WB tại Việt Nam: “Việt Nam cần có các khoản đầu tư để tối ưu hóa mục tiêu, hạn chế sự phân tách nhỏ lẻ giữa các tỉnh sẽ làm suy yếu liên kết vùng, và cần có các sắp xếp về phân quyền trong liên kết vùng”.

Liên quan đến vấn đề này, gần đây một số địa phương đã mong muốn xin cơ chế đặc thù, song nhiều chuyên gia kinh tế đã tỏ ý không đồng tình, bởi đặc thù không phải lúc nào cũng đúng.

Chuyên đề