Đồng peso của Argentina được nhận định là sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016 - Ảnh: news1130.com |
Chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư NN Investment Partners - Nathan Griffiths cho biết sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến GDP các thị trường mới nổi tiếp tục tuột dốc. Việc tiền tệ các thị trường này bất ổn cũng trở thành “mối đe dọa lớn” với thị trường chứng khoán.
“Tình hình này sẽ tiếp tục biến đổi mạnh. Nguy cơ chính vẫn là nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia có tác động lớn nhất đến nền thương mại toàn cầu và các nền kinh tế mới nổi” - ông Griffiths cho biết.
Hãng tin Bloomberg cho biết tỷ giá ngoại hối của 20 nước phát triển đã giảm 15% trong năm 2015, mức giảm thấp nhất từ 1997 đến nay, và tiền tệ của 6/24 thị trường mới nổi sẽ tiếp tục yếu đi trong 12 tháng tới. Trong đó, giảm mạnh nhất là đồng peso của Argentina, đồng real của Brazil và rupiah của Indonesia.
Tiền tệ các nước châu Á đang tuột giá mạnh so với USD chủ yếu do dòng tư bản đang chảy ồ ạt ra khỏi các quốc gia này, trước những dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cũng như bị ảnh hưởng từ sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc.
Đồng ringgit Malaysia đã giảm 19%, mức giảm tồi tệ nhất ở quốc gia Đông Nam Á này trong gần 20 năm qua. Đồng rupiah Indonesia cũng giảm 10%, trong khi đồng baht Thái Lan lao dốc 9% và đồng won của Hàn Quốc mất giá 6,3%.
Giới chuyên gia cho rằng dù dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2016 là 6,5% trong năm tới nhưng con số này vẫn thấp hơn mức 6,9% của năm 2015. Điều này sẽ kéo theo hàng loạt chỉ số giảm giá khác, bao gồm chỉ số hàng hóa của nguyên liệu thô và dầu thô.
Hai lĩnh vực hàng hóa này đã giảm mạnh 25% - 35%, gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và tiền tệ của khu vực châu Á. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc, Brazil, Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là những thị trường giảm mạnh nhất trong năm 2015, tương đương 17%.
Ngoài ra, theo giám đốc quản lý của công ty dự án nghiên cứu và tư vấn dự án châu Á Attila Vajda, chính mối quan ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cũng như giá cả hàng hóa tiêu dùng yếu đi cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi.