Chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ khiến châu Âu phải giảm lãi suất sâu hơn

0:00 / 0:00
0:00
“Kịch bản xấu nhất của thương mại sẽ gây khó khăn cho châu Âu. Tôi cho rằng thị trường vẫn đang định giá tài sản theo một hướng khá lành”...

Pimco cảnh báo về tác động tiêu cực đối với châu Âu trong trường hợp Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ phát động một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa hai bờ Đại Tây Dương. Công ty quản lý quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ này cho rằng lãi suất ở eurozone sẽ phải giảm xuống mức khẩn cấp để cân bằng ảnh hưởng của thuế quan đối với nền kinh tế khu vực vốn dĩ đang chật vật.

Ông Andrew Balls - Giám đốc bộ phận đầu tư trái phiếu toàn cầu của Pimco, công ty đang nắm lượng tài sản 2 nghìn tỷ USD - cho biết ông kỳ vọng sẽ có “nhiều đợt áp thuế quan” nối tiếp nhau sau khi ông Trump lên cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai.

“Kịch bản xấu nhất của thương mại sẽ gây khó khăn cho châu Âu. Tôi cho rằng thị trường vẫn đang định giá tài sản theo một hướng khá lành”, ông Balls nói trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times.

Giá tài sản châu Âu đã giảm mạnh trong bối cảnh thị trường chuẩn bị đón nhận chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump trong 4 năm tới. Từ cuối tháng 9 đến nay, đồng tiền chung châu Âu euro đã giảm giá hơn 5% so với đồng USD xuống còn khoảng 1,06 USD đổi 1 euro, do giới đhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải giảm lãi suất xuống sâu hơn nhằm bù đắp cho triển vọng ảm đạm của các nhà xuất khẩu trong khu vực.

Các nhà giao dịch trên thị trường hoán đổi hiện đang đặt cược rằng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ giảm tới 1,75%, từ mức 3,25% hiện tại, trước khi ECB ngừng nới lỏng.

Nhưng ông Balls cho rằng ECB có thể giảm lãi suất về mức thấp hơn thế: “Trong trường hợp có những diễn biến xấu hơn mong đợi, ECB sẽ phải áp dụng các mức lãi suất chính sách khẩn cấp”. Trên cơ sở này, Pimco dự báo đồng euro sẽ giảm giá hơn nữa so với đồng USD.

Cách đây 2 năm, ECB chấm dứt chuỗi 8 năm áp dụng lãi suất âm, khởi động chu kỳ thắt chặt mạnh tay để chống lại sự bùng nổ của lạm phát sau đại dịch Covid-19. Khi lạm phát xuống thang, ECB bắt đầu giảm lãi suất trở lại vào tháng 7 năm nay và đến nay đã có 3 đợt giảm.

Một số nhà đầu tư coi người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính - nhà quản lý quỹ phòng hộ Scott Bessent - có thể mang tới ảnh hưởng làm dịu bớt các chính sách kinh tế cực đoan của ông Trump. Niềm tin đó đã khiến đồng USD giảm giá gần đây sau khi tăng chóng mặt sau bầu cử tổng thống Mỹ.

Diễn biến tỷ giá euro/USD

“Tôi cho rằng nhìn chung, thị trường đang phản ánh vào giá tài sản những kết quả khá lạc quan. Khả năng tăng giá của tài sản là điều có thể được nhận thấy, nhưng rủi ro giảm giá tài sản còn dễ nhận thấy hơn”, ông Balls nói.

Đối với nước Anh, tác động của cuộc chiến thương mại toàn cầu đối với nền kinh tế cũng sẽ đặt ra khả năng lãi suất giảm sâu hơn. Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) từ nay đến cuối năm 2025 sẽ giảm lãi suất tổng cộng 0,75%, đưa lãi suất tham chiếu về mức 4%.

Ông nói Balls cho biết Pimco hiện ưa chuộng trái phiếu chính phủ Anh hơn trái phiếu kho bạc Mỹ vì lãi suất của Anh có thể giảm nhiều hơn lãi suất của Mỹ.

Dù dự báo ảm đạm về những rủi ro mà nền kinh tế eurozone phải đối mặt, ông Balls không cho rằng trái phiếu chính phủ Pháp sẽ giảm giá sâu hơn, sau khi đã giảm mạnh gần đây vì cuộc khủng hoảng ngân sách dẫn đến sự sụp đổ chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp kỳ hạn 10 năm gần đây tăng lên mức cao nhất trong 12 năm trong tương quan so sánh với trái phiếu chính phủ Đức cùng kỳ hạn. Ông Balls cho rằng khoảng cách rộng hơn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp và Đức là sự phản ánh hợp lý về triển vọng kém hơn của nền tài chính công của nước Pháp.

Cũng theo ông Balls, việc không có “sự lây lan” rủi ro ở các thị trường trong eurozone khác cho thấy cuộc khủng hoảng ở Pháp khó có thể trở thành một vấn đề mang tính hệ thống đối với khối tiền tệ chung này.

“Đã có chiến tranh, đã có đại dịch, đã có cả một loạt cú sốc, đã có một chính phủ cực đoan ở Italy, đã có một cú sốc chính trị ở Pháp và một loạt các cuộc kiểm tra sức chịu đựng, nhưng thị trường châu Âu vẫn tiến triển rất tốt,” ông Balls phát biểu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư