Thu ngân sách từ dầu thô sẽ giảm xuống dưới 1% GDP

Thu ngân sách từ dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn dưới 1% hiện nay...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu tại tham luận về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước tại Đại hội Đảng 12. 

Ngân sách tiếp tục khó khăn 

Thời gian qua, tốc độ thu ngân sách tăng đến 11% nhưng có chậm so với 5 năm trước (20%), theo ông Tuấn có nguyên nhân do tỷ trọng thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh. 

Thu ngân sách từ dầu thô do giảm mạnh do sản lượng và giá không tăng, thậm chí giảm, còn thu từ xuất nhập khẩu giảm là do phải liên tục cắt giảm thuế để hội nhập. 

Con số cụ thể được nêu tại tham luận là, giai đoạn 2006-2010, thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,1% GDP, giai đoạn 2011-2015 giảm còn khoảng 7% GDP, năm 2015 còn 5,3% GDP và dự toán 2016 là 4,3% GDP. 

Trong đó, thu dầu thô giảm từ mức bình quân 5,2% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn dưới 1% hiện nay (dự toán 2016 là 0,9% GDP). Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân 5,9% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 3,4% năm 2016. 

Với giai đoạn 2016 - 2020, ông Tuấn nói, cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, khả năng thu tăng không lớn, trong khi áp lực chi ngày càng tăng. Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần thiết phải tái cơ cấu ngân sách. 

Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP bình quân khoảng 20-21% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP; tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước. 

Ông Tuấn cũng cho biết, trong giai đoạn tới, dự kiến sẽ điều chỉnh chính sách thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu... theo hướng khuyến khích doanh nghiệp, người dân tích tụ để đầu tư cho phát triển, bảo hộ hợp lý sản xuất - kinh doanh trong nước và phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý và điều tiết hợp lý đối với tài nguyên, khoáng sản, đất đai. 

Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2018 cơ bản hoàn thành quá trình sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này, tăng mức đóng góp cho ngân sách. Sử dụng một phần nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục... 

Giảm 10% chi thường xuyên 

Về tái cơ cấu chi ngân sách, Thứ trưởng Tuấn nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên giảm khoảng 10% so với dự toán năm 2015. Qua đó góp phần tăng chi đầu tư phát triển từ mức 17% dự toán chi ngân sách năm 2015 lên trên 20%, đảm bảo các nghĩa vụ chi trả nợ đến hạn. 

Để giảm chi thường xuyên, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế; chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định, ông Tuấn diễn giải. 

Liên quan đến bội chi và nợ công, ông Tuấn cho biết sẽ giảm dần bội chi, tỷ lệ bội chi so với GDP giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Luật Ngân sách hiện hành bình quân khoảng 4,9% GDP. Tính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước (năm 2015) thì bình quân khoảng 4% GDP. 

Việc cơ cấu lại ngân sách còn nhằm bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. 

Ông Tuấn nêu rõ, để giải quyết một cách căn bản các vấn đề nợ Chính phủ cần có các giải pháp tổng thể, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi. 

Đồng thời cần tái cơ cấu nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay trung hạn và dài hạn với lãi suất phù hợp, rà soát để tái cơ cấu danh mục nợ nhằm kéo dài kỳ hạn nợ, giảm nghĩa vụ trả nợ lãi… kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng. 

Bên cạnh đó là thống nhất công tác quản lý nợ nước ngoài, các khoản vay của Chính phủ vào một đầu mối nhằm theo dõi, quản lý và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đúng quy định. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư