Thể chế quản lý phân tán khiến việc sử dụng tài sản nhà nước chưa hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên |
Giảm bớt “giằng co” quyền lợi
Tại cuộc họp liên quan đến việc hoàn thiện Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập cơ quan chuyên trách này sẽ giải quyết được những khiếm khuyết trong cơ chế quản lý hiện nay, đồng thời giảm thiểu được tối đa những can thiệp của từng bộ quản lý, giảm bớt “giằng co” quyền lợi. Các bộ tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, làm đúng vai trò là nhà nước kiến tạo… để hỗ trợ DN phát triển.
Mặt khác, theo một số chuyên gia, khi vốn và tài sản nhà nước tại DN được quản lý tại một cơ quan đầu mối, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng theo dõi, giám sát và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN vốn đang rất chậm trễ hiện nay.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chính thể chế quản lý phân tán, chia cắt cho nhiều bộ như hiện nay khiến việc sử dụng khối tài sản này chưa hiệu quả. Theo ông Cung, cơ chế hiện nay bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, đã tỏ rõ sự không phù hợp, không hiệu quả, không hiệu lực trong thực hiện quyền chủ sở hữu, quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Cụ thể là, do có quá nhiều đầu mối quản lý DNNN nhưng lại không thống nhất và không rõ ràng; quá nhiều đầu mối nên không có cơ sở dữ liệu thống nhất và toàn diện về từng doanh nghiệp, từng tài sản và tổng tài sản nhà nước, nên không đánh giá được chính xác, kịp thời hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước…
Nhằm tách bạch chức năng chủ sở hữu của nhà nước ra khỏi chức năng hoạch định chính sách, Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đã đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN.
Dẫn dắt, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chuyên trách sẽ là một công cụ để khắc phục những thất bại của thị trường, dẫn dắt quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Cung nhận định, vị thế pháp lý và chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên trách này. Theo ông Cung, kinh nghiệm hơn 10 năm qua cho thấy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là mô hình thực sự tốt theo thông lệ quốc tế về chuyên trách và chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý vốn nhà nước. Tuy vậy, vị thế “thấp” của SCIC làm cho cơ quan này khó “điều khiển” được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Tương tự, một cơ quan chuyên trách nằm trong cơ cấu của một bộ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu “độc lập” và ngang hàng với các bộ quản lý ngành trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Về tên gọi của cơ quan chuyên trách, trong Cuộc họp, đa số các ý kiến đồng ý với tên gọi Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Dự thảo Đề án cũng đề xuất một số tên gọi khác có nội dung tương tự để bảo đảm mục tiêu của Đề án...
Theo Dự thảo Đề án, cơ quan chuyên trách sẽ là đơn vị có đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao. Dự kiến, đội ngũ nhân sự sẽ được lấy từ cơ sở, điều chuyển cán bộ làm nhiệm vụ này từ các bộ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, SCIC để tăng cường cán bộ có kinh nghiệm làm nòng cốt. Bên cạnh đó, thông qua cơ chế thi tuyển để tuyển dụng những nhân sự mới có năng lực tốt.