Đến nay, mới có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện cổ phần hóa, đạt 28,4% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có văn bản trả lời kiến nghị của đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN.
Theo đó, ông Hiếu đặt vấn đề, Chính phủ có cần thiết phải phê duyệt danh mục DN cổ phần hóa, thoái vốn với thời hạn thực hiện cụ thể hay căn cứ vào chủ trương, định hướng của Chính phủ để các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện xử lý tồn tại tài chính, sắp xếp nhà đất của DN và chủ động lựa chọn thời điểm cổ phần hóa, thoái vốn bảo đảm hiệu quả và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
Mặt khác, thay vì ban hành danh mục DN cổ phần hóa, thoái vốn, Chính phủ cần công khai danh mục DN mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối. Như vậy, các DN không thuộc danh mục này và cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể chủ động xây dựng phương án cổ phần hóa, thoái vốn theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW về “thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn” và quyết nghị của Quốc hội tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là “thoái toàn bộ vốn nhà nước tại DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn”, “thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư”; bảo đảm minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin cho các nhà đầu tư.
Về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn trước năm 2016, các cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ quy định tại Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước chủ động xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách DN cổ phần hóa, thoái vốn của từng địa phương, đơn vị.
Quá trình thực hiện cho thấy, việc không ban hành danh mục DN cổ phần hóa, thoái vốn cụ thể sẽ gây ra khó khăn trong quá trình đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn; nhà đầu tư không có thông tin để theo dõi, tìm hiểu các DN sẽ cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư; đồng thời gây ra tình trạng cố tình không công bố thông tin hoặc công bố thông tin cục bộ, không công khai, minh bạch, từ đó gây ra nhiều tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.
Căn cứ chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng ban hành Danh mục DN cổ phần hóa, thoái vốn kèm theo Quyết định về Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước.
Về định hướng trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị một số nội dung.
Cụ thể, các cơ quan đại diện chủ sở hữu tiếp tục chịu trách nhiệm chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa DNNN, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại DN, đăng ký qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan; tổ chức triển khai thực hiện và tự chịu trách nhiệm về kết quả.
Các DN thuộc diện cổ phần hóa phải cập nhật thông tin đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật trên trang thông tin điện tử của DN, bảo đảm kịp thời, rõ ràng, công khai, minh bạch.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc xử lý trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, DN, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng phương án, kế hoạch không khả thi, làm chậm, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi một số nội dung về trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Theo đó, một trong những nội dung rà soát là bảo đảm yêu cầu tăng phân quyền trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, địa phương và DN, tránh đùn đẩy, dồn trách nhiệm lên các cấp trên.
“Cơ quan quản lý nhà nước chỉ ban hành cơ chế. Cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. DN có trách nhiệm chủ động xây dựng phương án, đề xuất nội dung thoái vốn, cơ cấu lại theo hình thức cổ phần hóa, triển khai quy trình cổ phần hóa. Sau đó, trong trường hợp cần xem xét trách nhiệm các cấp, nếu cơ chế ban hành thiếu thì cơ quan quản lý chịu trách nhiệm, nếu không tổ chức thực hiện thì DN chịu trách nhiệm, nếu DN đã đề xuất mà cơ quan đại diện chủ sở hữu chậm phê duyệt thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm”, ông Tiến nói.