Định giá doanh nghiệp làm chậm tiến trình cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Định giá doanh nghiệp được xác định là lỗ hổng lớn nhất gây thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua. Đây cũng là lực cản khiến quá trình cơ cấu lại DNNN chậm lại. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý cần thiết để giải quyết trở ngại này vẫn chưa hẹn ngày ban hành.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị tài sản cố định, giá trị quyền sử dụng đất… khi định giá doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị tài sản cố định, giá trị quyền sử dụng đất… khi định giá doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Kiểm toán 16 doanh nghiệp, tăng giá trị hơn 15 nghìn tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, từ năm 2017 cho đến nay, cơ quan này đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị của 16 DN cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020. KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tại 16 DN này theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng.

TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, sai sót trong xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…

Thông tin rõ hơn về khía cạnh này, TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc KTNN cho biết, nhiều giá trị tài sản thiết bị, giá trị thương hiệu, lợi thế thương mại, giá trị quyền sử dụng đất… được định giá rất thấp, thậm chí không được định giá như giá trị lao động của đội ngũ công nhân kỹ thuật hay giá trị của hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ hoặc bí quyết sản xuất.

Phương pháp sử dụng để xác định giá trị tài sản DN chưa có chuẩn mực thống nhất, thiếu tính tham chiếu. Nhiều tài sản của DN khi định giá được bóc tách riêng lẻ xác định theo từng bộ phận một cách có ý đồ, không được định giá tổng thể theo hệ thống.

Căn cứ để định giá tài sản hữu hình chủ yếu vẫn chỉ dựa trên giá trị sổ sách của DN, chưa được xác định theo giá thị trường dẫn đến giá trị DN không phản ánh đúng giá trị thực.

Một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng chính sách không tính giá trị đối với đất đang thuê vào giá trị DN dẫn đến bỏ sót phần giá trị lợi thế kinh doanh về địa điểm, vị trí của mảnh đất được hưởng quyền thuê.

Rủi ro lớn nhưng vẫn phải chờ pháp lý

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là số các DN còn lại ở giai đoạn này đa phần có quy mô về tài sản rất lớn, rủi ro thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN càng trở nên hiện hữu.

Ông Long cũng nêu một số quy định pháp lý chưa phù hợp, gây khó cho việc xác định giá trị DNNN. Đơn cử, việc xác định giá trị DN khi cổ phần hóa bắt buộc phải thực hiện theo phương pháp tài sản và tối thiểu một phương pháp khác, giá trị DNNN xác định không được thấp hơn phương pháp tài sản. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể từng trường hợp áp dụng phương pháp khác là gì và chênh lệch giữa các phương pháp thì xử lý thế nào. Bên cạnh đó, việc xác định lại giá trị tài sản vô hình vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể, một số nội dung còn phức tạp, khó phù hợp với điều kiện thực tế, gây tốn kém chi phí và thời gian thực hiện.

Từ những bất cập đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi khung khổ pháp lý về định giá DN khi cổ phần hóa để đẩy nhanh quá trình này.

“Trước mắt, cần sớm ban hành nghị định sửa đổi 3 nghị định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đó là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHN một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP nhằm khắc phục những bất cập về xác định giá trị DN. Đồng thời, bảo đảm phù hợp, đồng bộ và thống nhất với pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công trong Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN”, ông Đặng Văn Hải nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định sửa 3 nghị định nêu trên với điểm đáng chú ý là sửa đổi nội dung về định giá DN, chú trọng giá trị đất đai và giá trị các tài sản vô hình. Thực tế, việc triển khai sửa đổi 3 nghị định này đã bắt đầu từ gần 1 năm qua, song văn bản chính thức vẫn chưa biết đến bao giờ mới được ban hành.

Chuyên đề