Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Mới đạt 28% kế hoạch
Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, mới có 6 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 8/2020, đã có 177 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp nêu trên, chỉ có 37 doanh nghiệp thuộc danh mục 128 doanh nghiệp phải hoàn thành việc cổ phần hóa từ năm 2017 đến hết năm 2020 theo kế hoạch tại các công văn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là, Công văn số 991/TTg-ĐMDN về việc phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong số này, nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa mới đạt 28%, còn 91 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa trong những tháng còn lại của năm 2020.
Những địa phương, đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: Hà Nội còn 13 doanh nghiệp; TP.HCM còn 38 doanh nghiệp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 doanh nghiệp; Bộ Công Thương còn 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng 2 doanh nghiệp.
Về thoái vốn, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, đã thoái vốn được 899 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 1.845 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 8/2020: thoái 25.634 tỷ đồng, thu về 172.877 tỷ đồng.
Không cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá
Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; đồng thời xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và DNNN thực hiện một số nội dung.
Theo đó, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.
Đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này luôn quan tâm thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về thoái vốn, cổ phần hoá các DNNN với quan điểm là khẩn trương thực hiện nhưng cần tính toán thời điểm mang lại lợi ích cao nhất, chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt.
Ông Hải cũng chia sẻ về khó khăn trong việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Theo đó, doanh nghiệp này có đặc thù là ngoài hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, còn có thu nhập lớn từ liên doanh với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh chỉ chiếm 7% tổng vốn điều lệ nhưng mang lại trên 90% tổng lợi nhuận của VEAM. “Mỗi năm riêng phần chia lợi nhuận từ các liên doanh đã lên tới hơn 7 nghìn tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 5 năm lợi nhuận”, ông Hải thông tin.