Giải ngân đầu tư công cao, nhưng vẫn còn nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này của năm 2024, trong tổng số vốn 6.957 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao, Thừa Thiên Huế đã giải ngân được 4.151 tỷ đồng, tương ứng với 59,7% kế hoạch, cao hơn mức trung bình cả nước và đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế

Một số công trình hấp thụ vốn tốt như tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; hạng mục kè sông Như Ý, kè tại khu C Khu đô thị An Vân Dương và hạng mục thoát nước, lề đường Phạm Văn Đồng thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước...

Dù có những chuyển biến, song mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công khi hết niên độ 2024 đang gặp những thách thức không nhỏ do trở ngại về đền bù, hỗ trợ tái định cư, thời gian bàn giao mặt bằng; công tác lập quy hoạch phân khu còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và tiến độ chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật có yêu cầu phải lập quy hoạch tổng mặt bằng. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng, năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, ban quản lý dự án cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân chung.

Từ nay đến 30/1/2025, thời hạn cuối giải ngân đầu tư công, Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo, đôn đốc 8 cơ quan, đơn vị có mức giải ngân thấp hơn mặt bằng chung của Tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2; đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; tuyến đường kết nối từ khu B - An Vân Dương về trung tâm thị trấn Phú Đa; cải thiện môi trường nước TP. Huế...

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024 và đầu năm 2025 như đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường Vành đai 3; tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư