Tạo đà cho doanh nghiệp cơ khí phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi hàng loạt dự án quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII… sắp được triển khai. Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam, cần xây dựng những chính sách hỗ trợ hợp lý để tạo đà cho ngành cơ khí phát triển.
Doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast. Ảnh: An Chi
Doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của VinFast. Ảnh: An Chi

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2024 đến nay, trong tư cách là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã trúng 53 gói thầu với các quy mô khác nhau. Đáng chú ý, Viện trúng một số gói thầu quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như: Gói số 1 Cung cấp thiết kế, thiết bị, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, gia công chế tạo và lắp đặt thuộc Dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện Nhà máy Xi măng Hoàng Mai (183 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp vật tư và đại tu HT FGD tổ máy số 2, hệ thống FGD chung HP1, trung tu HT FGD tổ máy số 4 thuộc Dự án Sửa chữa lớn năm 2024 (đợt 2) của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (hơn 76 tỷ đồng)…

Điều đáng nói, Viện Nghiên cứu Cơ khí chỉ là một trong số nhiều nhà thầu cơ khí đã và đang góp mặt tại các gói thầu sử dụng vốn nhà nước cũng như những công trình ở khu vực kinh tế tư nhân cả ở trong nước và quốc tế.

TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí nhìn nhận, DN cơ khí trong nước đã có sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Đơn cử trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, trước đây, các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết là do DN nước ngoài đảm nhận, nhưng hiện nay Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tự chủ trong lĩnh vực này.

“Chúng tôi đã thành công trong việc ứng dụng lắp ráp dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinfast, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3, VF5... Thực tế này khẳng định, DN Việt Nam có thể làm được các công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài”, ông Phong nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực năng lượng, ông Phong cho biết, các DN cơ khí trong nước làm tốt việc thiết kế, chế tạo toàn bộ phần thiết bị, cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện… Gần đây, ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, DN trong nước cũng thành công trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thực hiện hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời. Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã trúng nhiều gói thầu chế tạo chân giàn dự án điện gió ngoài khơi cho các đối tác quốc tế...

Tuy nhiên, theo ông Phong, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thiết bị toàn bộ. Ví dụ các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng… thì DN Việt mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị. Nguyên nhân là Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” sở hữu công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án trọn gói.

Trong khi đó, nhìn nhận về triển vọng của ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD và các dự án đường sắt đô thị sắp được đầu tư đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu cơ khí. “Nếu Nhà nước có chủ trương chính sách tốt thì nhiều hạng mục công việc nhà thầu cơ khí trong nước có thể đảm nhận được”, ông Sáng đề xuất.

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long nhận định, đang có những cơ hội lớn đối với các DN Việt Nam, trong đó có ngành cơ khí. Theo ông Hồng, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư một số dự án quy mô lớn, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận… Trước đó, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt với hàng loạt dự án quan trọng ưu tiên đầu tư… “Đây là cơ hội lớn để các DN cơ khí Việt Nam phát triển, nâng tầm”, ông Hồng nhìn nhận.

Nhìn thấy cơ hội tương lai, nhưng ông Hồng cũng chia sẻ, trong quá khứ, do ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến khó khăn về tài chính, Cơ khí chính xác Thăng Long đã đánh mất cơ hội trúng thầu tại nhiều dự án điện, cũng như dự án viễn thông lớn. Ông Hồng mong mỏi, Chính phủ có những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, giúp DN có thêm “trợ lực” vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển.

Cùng quan điểm, ông Cao Văn Hùng, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam mong muốn các chính sách hỗ trợ DN sẽ được đơn giản hóa, đặc biệt là có cơ chế giúp DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư