Mục tiêu cổ phần hóa năm 2020 có thể đạt được?

(BĐT) - Mới có 1 trong số 93 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa năm 2020 được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Nếu tiến độ triển khai tiếp tục chậm chạp như các năm gần đây thì mục tiêu cổ phần hóa năm 2020 sẽ khó có thể hoàn thành.
Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đặc biệt là về đất đai là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi
Tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đặc biệt là về đất đai là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Nỗ lực thúc đẩy

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, sẽ có tổng số 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp), trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Agribank, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính cho biết, mới có Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Như vậy, còn 92 doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện để hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2020. Trong đó, TP.HCM có 38 doanh nghiệp và Hà Nội có 13 doanh nghiệp.

Trước đó, số lượng doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2017, năm 2018 và năm 2019 lần lượt là 45, 19 và 9. So với kết quả đã đạt được ở những năm trước, mục tiêu cổ phần hóa 93 doanh nghiệp là khá tham vọng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã và đang tiếp tục nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ của quá trình này với một trong những “đòn bẩy” quan trọng là tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đặc biệt là về đất đai.

Bởi theo Bộ Tài chính, trong quá trình triển khai cổ phần hóa, còn có sự “lúng túng” trong triển khai xây dựng, trình duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và việc triển khai xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Hầu hết các doanh nghiệp cổ phần hóa đều đang thực hiện xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Quá trình sắp xếp này đòi hỏi các địa phương phải thực hiện rà soát, kiểm tra chặt chẽ. 

Kỳ vọng tháo gỡ được vướng mắc đất đai

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, cơ quan này đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP, trong đó, tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp.

Dự thảo này sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong quý I năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cổ phần hóa và các cơ quan liên quan triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi là hướng dẫn cụ thể thêm trình tự, thủ tục, nội dung, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đồng thời, bổ sung quy định để giúp cho doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu và địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý tài sản công đối với diện tích đất của doanh nghiệp sử dụng khi cổ phần hóa.

Các địa phương sẽ có ý kiến thống nhất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với các diện tích đất không có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các địa phương có ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, hình thức sử dụng đất, mục đích sử dụng đất đối với các diện tích đất có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt…

Trường hợp đề xuất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương hoặc khác với mục đích sử dụng đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sử dụng đất cho phù hợp.

Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh lại phương án sử dụng đất đối với các diện tích đất này thì phải trả lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai để sử dụng vào mục đích khác. Doanh nghiệp cổ phần hóa bàn giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý giá trị còn lại của tài sản trên diện tích đất phải trả lại cho Nhà nước, đồng thời, hạch toán giảm tài sản, giảm vốn nhà nước theo giá trị còn lại của tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) chịu trách nhiệm chỉ đạo, có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định. Đồng thời, chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Chuyên đề