Rắc rối bảo lãnh ngân hàng từ một vụ án hình sự

Đầu tháng 2/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với ông Thân Văn Hưng (Giám đốc Công ty Hưng Sơn, Bắc Giang). 
Rắc rối bảo lãnh ngân hàng từ một vụ án hình sự

Lý do được đưa ra là cần giải quyết xong tranh chấp giữa Ngân hàng VPBank - Chi nhánh Bắc Giang và Chi nhánh Ngân hàng phát triển Bắc Giang về hợp đồng bảo lãnh. Quyết định tạm đình chỉ bị can là để chờ xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự.

Trước đó vào năm 2011, Công ty Hưng Sơn đã ký hợp đồng với Ngân hàng VPBank - Chi nhánh Bắc Giang vay số tiền 6,5 tỷ đồng phục vụ mục đích kinh doanh. Ông Hưng được ủy quyền ký kết hợp đồng và giấy tờ khác. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là chứng thư bảo lãnh của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Bắc Giang.

Cáo buộc cho rằng trong hồ sơ bảo lãnh, Công ty mất khả năng về tài chính, các khoản nợ đều đến hạn và sắp đến hạn phải thanh toán. Ban đầu, cơ quan tố tụng quy kết ông Hưng vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì cho rằng ông gian dối thiết lập hồ sơ báo cáo tài chính. Tòa sơ thẩm xét xử lần 1, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tháng 2/2016, cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi tội danh đối với bị can Hưng sang hành vi Sử dụng trái phép tài sản.

Xung quanh vụ án này, ĐTCK đã có trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật Basico).

Trong vụ án này, phải chăng cơ quan tố tụng đã hình sự hóa vấn đề dân sự? Trách nhiệm của ngân hàng đến đâu khi thẩm định và giải ngân tiền cho DN?

Rắc rối bảo lãnh ngân hàng từ một vụ án hình sự ảnh 1
Luật sư Trương Thanh Đức
Vụ án này có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự. Bị can không có dấu hiệu phạm tội lừa đảo tài sản, vì có thể có sự sai sót về hồ sơ vay vốn, nhưng vẫn sử dụng vốn vào mục đích kinh doanh. Do đó, cũng không thấy dấu hiệu của tội sử dụng trái phép tài sản.

Hai ngân hàng có trách nhiệm về việc thẩm định khoản vay. Nếu là bảo lãnh của cá nhân và DN, thì VPBank phải chịu trách nhiệm chính về việc thẩm định và rủi ro. Nhưng trong trường hợp này, trách nhiệm chính là của Ngân hàng Phát triển, vì họ được Chính phủ giao cho nhiệm vụ bảo lãnh cho DN để vay vốn tại ngân hàng thương mại. Về pháp lý, đây là loại bảo lãnh rất bảo đảm về chuyên môn cũng như uy tín. Do đó, về nguyên tắc, khoản vay đã đủ điều kiện vay vốn, VPBank có trách nhiệm cho vay và việc giải ngân chủ yếu căn cứ vào thư bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển. 

Những vấn đề pháp lý thường gặp phải trong biện pháp bảo lãnh là gì, thưa ông?

Đối với ngân hàng bảo lãnh, trách nhiệm và rủi ro giống như đối với một khoản cho vay. Ngân hàng bảo lãnh sẽ có nguy cơ phải trả nợ thay khách hàng vay bất cứ lúc nào và vô điều kiện, nếu khách hàng không trả được nợ đến hạn, do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.

Đối với ngân hàng chấp nhận việc khách hàng được ngân hàng khác bảo lãnh và tiến hành cho vay, đây là biện pháp có mức độ bảo đảm cao bởi nếu khoản vay gặp rủi ro, ngân hàng bảo lãnh sẽ trả nợ thay khách hàng. Vướng mắc hay rủi ro pháp lý lớn nhất của ngân hàng cho vay là không được ngân hàng bảo lãnh trả thay, khi khách hàng vay vốn cũng không trả được nợ. Vậy là, trong trường hợp này, ngân hàng bảo lãnh chỉ đối mặt với 1 trường hợp rủi ro, còn ngân hàng cho vay phải đối mặt với 2 trường hợp rủi ro. 

Đối với mỗi chứng thư bảo lãnh, ngân hàng sẽ nhận được chi phí nhất định. Nhiều vụ án thể hiện, ngân hàng phải liên đới thực hiện thanh toán bảo lãnh. Thưa luật sư, có phải phí và rủi ro dường như chưa tương xứng với nhau?

Nhìn thoáng qua là vậy, nhưng xét kỹ có thể nói đây là sự đánh đổi tương xứng, là việc trao đổi ngang giá. Cho vay thì ngân hàng thu được khoản lãi cao, vì đó là chi phí sử dụng vốn, là giá cả hàng hoá đặc biệt là tiền vay. Còn bảo lãnh thì thu phí với mức thấp, vì mới chỉ là cam kết, ngân hàng chưa phải giải ngân. Tuy nhiên rủi ro cũng gần như nhau, đặc biệt khi ngân hàng phải giải ngân để trả nợ thay. Tất nhiên, nếu xảy ra trường hợp này, khoản nợ sẽ được tính lãi suất như đối với khoản vay, có thể là trong hạn hoặc quá hạn.

Bảo lãnh mà không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thì phí và rủi ro là tương ứng, nhưng nguy cơ rủi ro rất lớn vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Khi ấy, đối với ngân hàng, sẽ có cảm giác cái giá của bảo lãnh quá rẻ nhưng lại phải trả giá quá đắt. Tuy nhiên, khoản bảo lãnh nào có rủi ro cao hơn thì ngân hàng thường thu phí nhiều hơn và yêu cầu điều kiện bảo lãnh cao hơn, trong đó có tài sản bảo đảm.

Chuyên đề