Phân bổ sớm để đẩy nhanh đầu tư công 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc phân bổ chi tiết vốn cho các dự án đúng nguyên tắc, kịp thời, chuẩn bị đầu tư tốt đóng vai trò quan trọng đối với công tác giải ngân. Đây vẫn là khâu còn hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công những năm qua, cần có sự thay đổi để tăng tính khả thi cho công tác giải ngân. Cụ thể là chú trọng lập kế hoạch, chỉ bố trí vốn cho dự án đã có thủ tục đầu tư theo quy định; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, một lượng vốn lớn sẽ được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác. Ảnh: Lê Tiên
Theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, một lượng vốn lớn sẽ được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác. Ảnh: Lê Tiên

Dứt khoát không dàn trải, manh mún

Ngày 11/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số bộ, cơ quan trung ương có kế hoạch vốn lớn là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) 56.666 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9.935 tỷ đồng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 1.733 tỷ đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.506 tỷ đồng, Bộ Y tế 1.254 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM 1.118 tỷ đồng... Những địa phương có kế hoạch vốn lớn là Hà Nội (81.033 tỷ đồng), TP.HCM (79.263 tỷ đồng), Hưng Yên (19.921 tỷ đồng), Hải Phòng (17.019 tỷ đồng), Quảng Ninh (14.278 tỷ đồng), Đồng Nai (12.347 tỷ đồng), Bình Dương (15.278 tỷ đồng)…

Quyết định giao vốn nhấn mạnh, căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được giao, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên.

Theo đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao rõ số vốn phải bố trí tối thiểu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác. Trong đó, Bộ GTVT phải bố trí tối thiểu 43.479 tỷ đồng, Hà Nội 7.106 tỷ đồng, TP.HCM 2.500 tỷ đồng, Hưng Yên 1.122 tỷ đồng, Đắk Lắk 920 tỷ đồng, Lâm Đồng 855 tỷ đồng…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ vốn bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ vốn bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên. Ảnh: Lê Tiên

Phân bổ vốn kịp thời, chú trọng chuẩn bị đầu tư

Theo quy trình của Luật Đầu tư, sau khi Thủ tướng giao kế hoạch vốn, việc phân bổ chi tiết tới các chương trình, dự án do các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện. Đây là khâu rất quan trọng để bảo đảm tiến độ và hiệu quả giải ngân.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định. Công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần…

Thực tế, nhìn lại việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, nhiều dự án được giao vốn khi chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết, dẫn đến chậm trễ giải ngân, thậm chí không giải ngân được đồng nào trong 11 tháng do chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.

Theo báo cáo tổng thể giám sát đánh giá đầu tư năm 2022, có 3.673 dự án phải điều chỉnh, chiếm 5,2% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư, tiến độ đầu tư, vốn đầu tư…

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh vai trò của công tác lập kế hoạch, phân bổ chi tiết vốn, chuẩn bị đầu tư, lựa chọn dự án. Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định, khâu đầu tiên này Việt Nam thực hiện chưa thực sự tốt, chất lượng đầu vào của dự án thấp ảnh hưởng đến công tác triển khai, từ đó dẫn đến đội vốn và chậm tiến độ. Vì thế, cần phải xử lý ngay từ khâu đầu tiên, làm tốt, chú trọng và dành ngân sách nhiều hơn cho công tác chuẩn bị đầu tư, chủ động hơn trong khâu chuẩn bị như lập ngay kế hoạch khai thác nguyên liệu cho công trình...

Từ phía các chủ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, cần tránh tâm lý “ôm vốn” bằng được mà không lường hết những khó khăn khi giải ngân. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số lãnh đạo ban quản lý dự án chia sẻ, rút kinh nghiệm nhiều năm, đơn vị căn cứ vào khả năng giải phóng mặt bằng để đăng ký vốn trong năm tới, vì đây là khâu khó khăn, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án.

Xác định năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thách thức, giải ngân nhanh đầu tư công cần tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh cần phải đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm.

Sau khi Thủ tướng giao kế hoạch vốn, ngày 12/12/2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có công điện gửi lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Tại Công điện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới thực hiện phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng giao trước ngày 31/12/2023 bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định. Đối với nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, đề nghị các địa phương ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, lĩnh vực y tế, phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Tại các hội nghị về thúc đẩy, giải ngân đầu tư công, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhiều lần đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chú trọng công tác lập kế hoạch, chỉ bố trí vốn cho dự án đã có thủ tục đầu tư theo quy định; ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, chủ động bố trí vốn, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới; xác định công tác chuẩn bị đầu tư có vai trò tiên quyết, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện giúp nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án, hạn chế vướng mắc trong quá trình thực hiện, qua đó đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Quá trình chuẩn bị đầu tư dự án phải dự báo hết những rủi ro, khó khăn có thể phát sinh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; khảo sát điều tra vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, thủ tục khai thác các mỏ vật liệu, bãi đổ thải, nguồn đất đắp…

Chuyên đề