Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều bộ, cơ quan trung ương đạt thấp, vướng ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả nước 11 tháng năm 2023 đạt trên 65%, tăng so với cùng kỳ năm trước cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối, thì nhiều bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa thể vượt qua mốc 30% kế hoạch năm. Vướng mắc, khó khăn nào khiến giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương này bị ách tắc?
Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc triển khai kéo dài, một số dự án thành phần điều chỉnh thiết kế, dự toán, giải phóng mặt bằng khó khăn dẫn đến giải ngân thấp. Ảnh: Giang Huy
Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc triển khai kéo dài, một số dự án thành phần điều chỉnh thiết kế, dự toán, giải phóng mặt bằng khó khăn dẫn đến giải ngân thấp. Ảnh: Giang Huy

Vướng mắc cả khách quan và chủ quan

Với kế hoạch vốn năm 2023 được giao 90,627 tỷ đồng, đến hết 11 tháng, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỷ lệ giải ngân của Ủy ban Dân tộc (UBDT) là 0%. Theo đại diện UBDT, vướng mắc lớn nằm ở Dự án Học viện Dân tộc đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, bước xây dựng nhiệm vụ quy hoạch bị vướng nhiều năm, vừa qua mới được giải quyết, chưa chuyển sang giai đoạn đầu tư nên chưa giải ngân được; thứ hai là 5 dự án trường chuyên biệt tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP.HCM, Thái Nguyên… chuyển từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về UBDT, mới giao vốn gần đây. Trong phạm vi 5 dự án trường chuyên biệt có 2 nhiệm vụ lớn phải làm: cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình; xây dựng mới một số công trình đáp ứng quy mô đào tạo. Nội dung 1 không vướng, nội dung 2 vướng do liên quan đến quy hoạch vì cả 5 trường chưa có quy hoạch, chưa có cơ sở để phê duyệt dự án. Ngoài Thanh Hóa, các địa phương có dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Được giao kế hoạch vốn 173,788 tỷ đồng, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam nằm trong danh sách các bộ, cơ quan trung ương 11 tháng giải ngân chưa được 15% kế hoạch vốn. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý dự án thuộc Liên minh HTX Việt Nam cho biết, vướng mắc lớn ở bước quy hoạch, khiến dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến chậm phân bổ vốn. Đối với các dự án đã phân bổ, giao chi tiết vốn thì việc thực hiện các quy trình, thủ tục triển khai mất nhiều thời gian. Cụ thể, dự án có vốn lớn nhất của Liên minh là Dự án Xây dựng giai đoạn II Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam, gặp vướng mắc về quy hoạch từ năm 2021 - 20/6/2023, đến tháng 6/2023 mới tháo gỡ được.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) qua 11 tháng cũng giải ngân chưa được 15% trên 1.406 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao. Theo báo cáo của ĐHQGHN, giải ngân thấp liên quan đến 2 dự án được đầu tư lớn là Dự án Đầu tư ĐHQGHN tại Hòa Lạc và Dự án Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Với Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc, quá trình triển khai kéo dài, qua nhiều thời kỳ, cơ chế chính sách của Nhà nước, pháp luật liên quan có nhiều thay đổi, một số dự án thành phần phải điều chỉnh thiết kế, dự toán công trình, thủ tục thực hiện mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Với Dự án Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN, sau thời gian dài phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ và giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý về tài sản đảm bảo, tháng 6/2023 đã ký Hiệp định vay phụ và hợp đồng vay lại, nên chưa giải ngân được. Đến nay, WB và ĐHQGHN đang tích cực triển khai để đảm bảo tiến độ hoàn thành Dự án năm 2025.

Với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giải ngân 11 tháng đạt khoảng 23% trên kế hoạch vốn 1.953 tỷ đồng. Vướng mắc chủ yếu được đại diện Bộ chỉ ra là định mức ở dự án công nghệ thông tin, mất nhiều thời gian để xử lý; liên quan đến công trình văn hóa thêm nhiều thủ tục đầu tư phức tạp, ví dụ sửa nhà hát phải có hội đồng nghệ thuật, liên quan đến Nhà hát lớn phải có hội đồng di sản…

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… và nhiều bộ, cơ quan trung ương khác có tỷ lệ giải ngân 11 tháng thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước.

Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin thiếu hướng dẫn cụ thể về việc xác định chi phí xây dựng, nâng cấp, mở rộng phần mềm, định mức, đơn giá… Ảnh minh họa: Tiên Giang

Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin thiếu hướng dẫn cụ thể về việc xác định chi phí xây dựng, nâng cấp, mở rộng phần mềm, định mức, đơn giá… Ảnh minh họa: Tiên Giang

Theo Bộ KH&ĐT, ngoài những khó khăn, vướng mắc chung, các đơn vị giải ngân thấp còn có khó khăn, vướng mắc riêng. Trong đó, các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin thiếu hướng dẫn cụ thể về việc xác định chi phí xây dựng, nâng cấp, mở rộng phần mềm; nội dung phân tích lựa chọn giải pháp kỹ thuật công nghệ; định mức, đơn giá làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư của dự án. Các dự án mua sắm lớn mang tính chất đặc thù của một số đơn vị phần lớn là hàng nhập khẩu trang thiết bị đặc chủng, thiết bị chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật cao và tính đồng bộ nên mất nhiều thời gian. Nhiều dự án đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc (liên quan đến cấu phần xây dựng) của ngành, quy mô dự án và số vốn nhỏ, đầu tư rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố gặp vướng mắc trong việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan trung ương ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư nước ngoài…

Bên cạnh những vướng mắc, khó khăn khách quan, nhiều cơ quan chỉ ra nguyên nhân chủ quan từ tổ chức thực hiện như nhiều chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt, chưa bám sát để phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế. Các đơn vị chưa chủ động xây dựng tiêu chuẩn định mức theo quy định của Chính phủ, chỉ tiến hành khi có dự án dẫn đến việc chuẩn bị đầu tư kéo dài...

Giải pháp quyết liệt đẩy nhanh giải ngân

Trong tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã gửi công điện đốc thúc giải ngân đến lãnh đạo 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% sau 10 tháng. Kết luận Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công diễn ra ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, đề ra các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời giao các cơ quan liên quan hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều bộ, cơ quan giải ngân dưới tỷ lệ trung bình cả nước đang chủ động, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân tối đa. Đại diện Ban Quản lý dự án thuộc Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ, Liên minh HTX đã hoàn thiện quá trình phê duyệt Dự án Xây dựng giai đoạn II Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ HTX miền Nam, đang đẩy nhanh các bước tiếp theo của giai đoạn thực hiện đầu tư. Với các công việc mà chủ đầu tư có thể chủ động, Ban sẽ đẩy nhanh tối đa, chuẩn bị trước các thủ tục, chuẩn bị đấu thầu để khi có vốn là giải ngân được.

Tại một hội nghị gần đây, Đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, với 5 dự án trường chuyên biệt, Ủy ban đang đề xuất xin xây dựng quy hoạch cục bộ các trường chuyên biệt, tập trung vào phần sửa chữa, cải tạo để đẩy nhanh giải ngân trước. Với Dự án Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội, cố gắng hết năm 2023 nếu Hà Nội duyệt nhiệm vụ quy hoạch thì sang năm 2024 triển khai xây dựng Dự án. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì khẳng định quyết liệt chỉ đạo giải ngân; giám đốc ban quản lý dự án không làm được có thể nghỉ, nhưng có nhiều vướng mắc Bộ khó chủ động giải quyết, rất mong các cơ quan liên quan phối hợp…

Chuyên đề