Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Hà Giang: Gỡ vướng để về đích đúng hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, tính đến tháng 3/2025, Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang cơ bản đáp ứng tiến độ phân kỳ đầu tư quy mô 2 làn xe. Để tiếp tục triển khai đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, đưa tuyến cao tốc này vào khai thác, sử dụng cuối năm 2025, cần giải quyết kịp thời một số khó khăn, vướng mắc.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Hà Giang quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư 4.850 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Hà Giang quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh có tổng mức đầu tư 4.850 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang được khởi công ngày 28/5/2023, với tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025. Giai đoạn 1 đầu tư đoạn tuyến qua tỉnh Hà Giang có tổng chiều dài khoảng 27,48 km; điểm đầu Km0 tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; điểm cuối Km27+480 thuộc địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tổng kế hoạch vốn đã bố trí để thực hiện Dự án là 1.511 tỷ đồng, hiện nay đã giải ngân 100%. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho 763/763 tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng, hoàn tất bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang). Ba khu tái định cư phục vụ Dự án cũng đã xây xong.

Thông tin về tiến độ triển khai 3 gói thầu xây lắp (quy mô 2 làn xe), UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Gói thầu số 03-XL (Km0+00 - Km12+500) có giá trị 812 tỷ đồng, do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện từ ngày 20/6/2023. Ghi nhận trên công trường, Nhà thầu đang huy động 114 thiết bị, 150 người, khẩn trương tổ chức các mũi thi công. Giá trị sản lượng đã thực hiện đạt 465 tỷ đồng, bằng 57,3% giá trị hợp đồng.

Gói thầu số 04-XL (Km12+500 - Km19+120) có giá trị hợp đồng 764 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Thuận An - TAG - Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam thực hiện. Tiếp cận mặt bằng và thi công từ ngày 30/10/2023, đến nay, Liên danh duy trì 155 người, 105 thiết bị tại công trường, khối lượng đã thực hiện đạt 386 tỷ đồng, bằng 51% giá trị hợp đồng.

Tại Gói thầu số 05-XL (Km19+120 - Km27+480) với tổng giá trị hợp đồng 740 tỷ đồng, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Taco Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng Đồng Tiến - Công ty TNHH Phúc Thành An. Kể từ thời điểm tiếp cận mặt bằng (ngày 5/11/2023) đến nay, khối lượng thi công đạt 334 tỷ đồng, tương ứng 45,1% giá trị hợp đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lập dự án mở rộng lên quy mô hoàn chỉnh (4 làn xe), ngày 31/10/2024, HĐND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang. Theo đó, tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh là 4.850 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, để Dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, có những khó khăn cần được giải quyết kịp thời. Tỉnh Hà Giang cho biết, trong năm 2022 và 2023, Dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu, chính sách đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Nhưng hiện nay, các cơ chế, chính sách đặc thù đã không còn phù hợp về thời gian theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, dẫn đến các gói thầu trong giai đoạn đầu tư quy mô 4 làn xe phải tổ chức lựa chọn nhà thầu (thông thường mất từ 8 đến 9 tháng), có thể ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Để bảo đảm Dự án về đích vào cuối năm 2025, UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép Chủ đầu tư rà soát các nhà thầu tư vấn, xây lắp đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tài chính đã thực hiện ở giai đoạn 2 làn xe để chỉ định, giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện giai đoạn quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án. Về nguồn vốn, dự kiến nhu cầu vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án là 1.839 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2024, do tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, địa bàn tỉnh xảy ra 21 đợt thiên tai gây thiệt hại trên 1.700 tỷ đồng, nên không bảo đảm kinh phí bố trí thực hiện Dự án. Do đó, Hà Giang đề xuất Trung ương hỗ trợ, bổ sung 1.839 tỷ đồng để Dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Sau khi hoàn thành, Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ góp phần hình thành hành lang phát triển kinh tế từ vùng Đồng bằng sông Hồng tới Tuyên Quang và Hà Giang, giúp khơi thông dòng chảy kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề