Gỡ vướng, chạy nước rút giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn mức trung bình của cả nước, đòi hỏi phải bứt tốc nhanh hơn trong giai đoạn nước rút. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt, là điểm đáng học hỏi trong nỗ lực thúc đẩy vốn đầu tư công.
Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 130 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022, tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Ảnh: Tường Lâm
Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 130 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022, tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Ảnh: Tường Lâm

Với tổng số vốn kế hoạch hơn 70 nghìn tỷ đồng, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của TP. HCM góp phần đưa lượng vốn lớn vào nền kinh tế. Theo UBND TP.HCM, giải ngân đến nay đạt xấp xỉ gần 30 nghìn tỷ đồng, về giá trị tuyệt đối cao thứ 3 cả nước, sau Bộ Giao thông vận tải và Hà Nội, nhưng mới đạt gần 44% tổng số vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, 2 khối lượng lớn đang vướng là giải ngân nguồn vốn cân đối cho giải phóng mặt bằng và cho dự án giảm ngập, chống biến đổi khí hậu. TP.HCM đã lập 13 tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ cho 38 dự án trọng điểm, ban hành kế hoạch thi đua 60 ngày đêm nỗ lực giải ngân, dồn sức vào nhóm việc 12 nghìn tỷ đồng cân đối cho giải phóng mặt bằng và tái định cư. Chủ tịch UBDN TP.HCM vừa tiếp tục có chỉ đạo, giao các Phó Chủ tịch trực tiếp theo dõi chỉ đạo giải ngân nhiều dự án.

Được giao kế hoạch vốn hơn 10.600 tỷ đồng, đến nay Đồng Nai đã giải ngân khoảng 52% kế hoạch. Vướng mắc lớn nhất, theo Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, là giải phóng mặt bằng, khi mà số vốn bố trí cho công tác này chiếm hơn 60% tổng vốn. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc điều chỉnh dự án chậm; năng lực đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công hạn chế, chủ đầu tư chưa đôn đốc sâu sát nhà thầu. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định, trong thời gian còn lại của năm sẽ tập trung tối đa cho công tác này, phát động phong trào làm ngày, làm đêm kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, 3 ca 4 kíp, chủ đầu tư xây dựng đường găng công việc, kiểm tra hàng ngày, hàng tuần, các chủ đầu tư cam kết giải ngân 80 - 95% số vốn đã bố trí.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, đến nay tỉnh giải ngân được 38,7% trên kế hoạch vốn được giao là 5.700 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là hụt thu tiền đất, kế hoạch giao 2.200 tỷ đồng, nhưng hụt 1.500 tỷ đồng, cộng với 500 tỷ đồng của 1 dự án ODA chưa ký được hiệp định vay. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định sẽ nỗ lực giải ngân, kiên quyết xử lý những vấn đề từ nguyên nhân chủ quan, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, giao trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch UBND huyện, chủ đầu tư, là chỉ tiêu đánh giá chất lượng công tác chuyên môn, công tác cán bộ. Tỉnh cam kết giải ngân 98% nguồn lực bố trí được, nhưng so với kế hoạch chỉ được 75%.

TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, bằng gần 44% tổng số vốn được giao. Ảnh: Huyền Trang

TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, bằng gần 44% tổng số vốn được giao. Ảnh: Huyền Trang

Một số địa phương cũng phản ánh, nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị đã tổ chức đấu giá nhưng không tìm được khách mua, ảnh hưởng đến nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2023. Do đó, địa phương không có nguồn bố trí cho các dự án theo kế hoạch.

Phản ánh chậm trễ giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tiến độ dự án, nhiều địa phương đề nghị tách giải phóng mặt bằng dự án nhóm B, C thành dự án độc lập để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong triển khai thực hiện thủ tục chuyển đổi diện tích đất lúa, rừng tự nhiên theo một định mức về diện tích nhất định, ví dụ có thể phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên dưới 20 ha. Đề nghị giao 1 ngành chủ trì trong thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để giảm thủ tục hành chính, thống nhất trong thực hiện.

Với vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đa số bộ, địa phương chưa giải ngân hết được trong năm 2023 và kiến nghị kéo dài đến năm 2024.

Năm 2023, khối lượng công việc nhiều hơn, ngoài các dự án đã có trong trung hạn, còn giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Báo cáo Chính phủ tại Hội nghị đôn đốc giải ngân đầu tư công vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, năm 2023, khối lượng công việc nhiều hơn, ngoài các dự án đã có trong trung hạn, còn giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022, tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021, trong đó lượng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn (bao gồm kế hoạch năm 2023 và toàn bộ số vốn năm 2022 chưa giải ngân được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2023). Số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn, còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng giao.

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn năm 2023. Tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Phát động phong trào thi đua thực hiện giải ngân vốn đầu tư công những ngày còn lại cuối năm. Trong đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án. Kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…; đôn đốc các nhà thầu, tư vấn tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ các dự án…

Theo Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt, là do các đơn vị này đã tăng cường phân cấp, phân nhiệm, chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải. Đồng thời, lựa chọn nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm; sâu sát, nắm rõ tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn… Đây là bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác giải ngân trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư