Kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải là 94 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 Ảnh: Lê Tiên |
Kinh nghiệm từ những địa chỉ giải ngân cao
Là bộ có số vốn kế hoạch năm 2023 lớn nhất, nhưng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có tiến độ giải ngân 9 tháng năm 2023 vượt mức trung bình của cả nước. Theo ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT, kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ GTVT là 94 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022. Bộ xác định giải ngân nguồn vốn này là thách thức rất lớn, nhưng cũng là trách nhiệm với đất nước, là cơ hội để đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng quốc gia, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Thái chia sẻ, Bộ GTVT không có sáng kiến gì lớn vì thực hiện trong cùng một khuôn khổ pháp luật. Bộ tập trung vào 3 việc. Thứ nhất là chuẩn bị đầu tư - khâu tốn nhiều thời gian, trước đây các dự án lớn trung bình mất 2 năm từ khi quyết định chủ trương đầu tư đến khi khởi công, nhưng nay Bộ có sự chuẩn bị kỹ và đẩy nhanh hơn. Ví dụ, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2022 thì đến đầu năm 2023 đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công đồng loạt.
Thứ hai là khâu lập kế hoạch vốn, kế hoạch giải ngân, kế hoạch thi công. Ba kế hoạch này phải gắn chặt với nhau, đảm bảo tính khả thi, có phương án dự phòng. Khi làm các dự án lớn phải có kế hoạch quản trị rủi ro. Các kế hoạch vừa có tính tổng quan, vừa phải tương đối chi tiết, phân định rõ từng khâu gắn với trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào khâu này, để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay điểm vướng, điểm yếu.
Thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã có 8 kỳ điều hòa kế hoạch linh hoạt giữa các dự án, đề xuất điều chuyển giữa nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với nguồn vốn trung hạn, mục tiêu là “bơm” được lượng tiền nhiều nhất, nhanh nhất vào nền kinh tế để đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế.
Ông Thái đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, ban chỉ đạo quốc gia công trình trọng điểm họp thường kỳ giải quyết ngay, xử lý kịp thời các vướng mắc.
Từ thực tiễn giải ngân của Bộ GTVT, ông Thái cho rằng, không thể giải quyết ngay cả 3 nút thắt liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện, công tác phối hợp. Giải pháp dài hạn vẫn phải tập trung tháo gỡ thể chế, ngắn hạn tập trung vào 2 khâu tổ chức thực hiện và phối hợp.
Cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chức thực hiện, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong những năm qua, Thái Bình luôn nằm trong nhóm giải ngân nhanh và 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 70% kế hoạch. Để đạt được kết quả này, yếu tố đầu tiên là Tỉnh quán triệt thực hiện nghiêm các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Thái Bình xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đốc thúc giải ngân ngay từ đầu năm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo kỷ cương, rà soát tiến độ thường xuyên, điều chuyển vốn kịp thời. Đồng thời, việc nâng cao trách nhiệm, trình độ của chủ đầu tư là rất quan trọng. Chủ đầu tư am hiểu, có trách nhiệm sẽ thực hiện nhanh và đúng, vì muốn đi nhanh phải làm đúng ngay từ đầu, nếu không phải quay lại sửa mất thời gian hơn rất nhiều.
Với khâu khó khăn là giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Khắc Thận chia sẻ, Thái Bình nhận định vai trò của người dân trong thúc đẩy đầu tư công rất quan trọng. Tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của công trình đầu tư công. Tại nhiều dự án giao thông liên huyện, người dân đã chủ động hiến đất.
Nhiều địa phương giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhờ chú trọng khâu tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp Ảnh: Trần Lê |
Chủ động thực hiện, nâng cao năng lực thực thi
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính cho biết, một dự án đầu tư công thành công phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Chính sách hiện chưa thể bắt kịp tốc độ phát triển. Tất cả các bộ, ngành đang rà soát lại cơ chế chính sách để tháo gỡ tối đa, tạo điều kiện đầu tư thông suốt các dự án.
Ông Đức cho rằng, trên thực tế, cùng cơ chế chính sách, điều kiện, ở nơi nào toàn bộ hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, làm tốt thì nơi đó giải ngân tốt. Đơn cử, ngay từ đầu năm, Vụ Đầu tư đã ban hành 3 văn bản yêu cầu các bộ, ngành phân bổ dự toán ngay từ đầu năm nhưng trong quá trình kiểm tra, nhiều bộ, ngành, địa phương phân bổ không đúng nguyên tắc, phải làm lại, mất nhiều thời gian. Với 12 địa phương giải ngân thấp thuộc Tổ công tác số 5, đầu năm giải ngân thấp, nhưng đến tháng 10 chỉ còn 3 địa phương giải ngân dưới mức bình quân cả nước, cho thấy tổ chức thực hiện tốt thì giải ngân sẽ được đẩy nhanh.
Dù vậy, theo ông Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nút thắt về thể chế và tổ chức thực hiện có quan hệ mật thiết, nút thắt này dẫn đến nút thắt kia. Nhiều nơi tổ chức thực hiện chưa hiệu quả do tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, né tránh trong thực thi nhiệm vụ, một phần vì chính sách pháp luật chưa rõ ràng, sợ sai. Khi cơ chế chính sách được tháo gỡ, tổ chức thực hiện cũng sẽ tốt hơn.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả, bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh 2 chữ “chủ động”, chủ động trong nâng cao chất lượng đầu vào ngay từ khâu chuẩn bị dự án; chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư, danh mục dự án, điều chuyển vốn…
Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến thẩm định dự án, thanh toán vốn... Trong đó, việc cần làm ngay là tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các địa phương trong cấp phép mỏ nguyên vật liệu phục vụ dự án đầu tư công.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Người đứng đầu từng đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án. Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Xử lý ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý, không chờ đợi; nêu rõ vướng mắc ở đâu, thuộc trách nhiệm của ai, không nói chung chung…