Năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án 254 (Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015), hệ thống tài chính ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động ổn định, lành mạnh hơn.
Liệu rằng năm 2016, thị trường tài chính tiếp tục có nhiều triển vọng như năm qua hay không, nhân dịp đầu xuân mới Bính Thân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực.
PV: Ông nhận định thế nào về bức tranh hệ thống ngân hàng trong năm qua?
TS. Cấn Văn Lực: Hệ thống ngân hàng trong năm qua đã ghi nhận nhiều điểm tích cực. Về cơ bản, hệ thống ngân hàng đã tái cơ cấu xong giai đoạn 1. Các ngân hàng yếu kém bắt đầu hoạt động có hiệu quả và có lợi nhuận. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống giảm mạnh, đẩy về dưới 3%, từ mức 17,2% năm 2012, trong số này có 58% TCTD tự xử lý và 42% bán cho VAMC.
Lợi nhuận ngân hàng đã tăng dần từ năm 2012 về đây song vẫn ở mức thấp. Chỉ số ROE năm 2013 khoảng 5,2%, năm 2014 là 5,5-5,6%, năm 2015 vào khoảng 6% trong khi đó bình quân khu vực ở trên 10%.
Điểm sáng thứ ba về thanh khoản. Tín dụng tăng trưởng năm 2015 đạt gần 18% là tương đối cao, huy động vốn tăng trưởng 16%, hệ số cho vay/huy động ở ngưỡng 89%, nhích hơn 2014 nhưng vẫn dưới ngưỡng 90%, về cơ bản là ổn định.
Thứ tư, lãi xuất trong năm qua đã giảm 1,5-2% ở các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giảm, tình hình kinh tế tăng trưởng tích cực, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện, tín dụng cũng là một điểm nhấn trong năm 2015, tăng cao nhất trong 5 năm gần đây và quan trọng hơn dòng tín dụng nắn vào những chỗ cần thiết như 5 lĩnh vực ưu tiên đặc biệt là cho vay lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao tăng vọt hơn 40%.
Một điểm khác, mặc dù tỷ giá có nhiều biến động, tâm lý thị trường còn nặng nề tại các thời điểm nhất định tuy nhiên hoạt động hệ thống ngân hàng vẫn ổn định.
Ngoài ra, về quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, NHNN đã quyết liệt hơn trong việc yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng thông qua việc ban hành Thông tư 36.
Với nỗ lực trong năm qua, bước sang năm 2016, bài toán đặt ra cho hệ thống tài chính ngân hàng có đơn giản hơn năm trước không, thưa ông?
Rõ ràng năm qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc tuy nhiên theo tôi vẫn còn một số hạn chế, thách thức mà ngành ngân hàng cần tập trung xử lý trong thời gian tới.
Thứ nhất, về nợ xấu, mặc dù các TCTD đã bán cho VAMC khoảng 240 nghìn tỷ và VAMC mới xử lý hơn 9% như vậy vẫn còn hơn 200 nghìn tỷ tiếp tục cần xử lý.
Thời gian qua, cơ quan điều hành cũng đã cố gắng tháo gỡ thể chế vướng mắc liên quan tới việc ban đầu hình thành thị trường mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo,…
Từ nay đến năm 2020, gói nợ xấu này hy vọng sẽ được xử lý cơ bản, phù hợp với tiến độ quốc tế cần khoảng 7 năm để xử lý.
Một số ngân hàng yếu kém, lãi suất huy động còn cao tiếp tục cần tái cơ cấu triệt để hơn nữa để giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tạo ra các định chế tài chính lớn hơn để cạnh tranh với khu vực.
Bước sang năm 2016, với dự báo nền kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội hội nhập tốt hơn và đặc biệt liên quan đến cải cách kinh doanh, tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt ít nhất bằng năm 2015. Trong đó, hệ thống tài chính ngân hàng sẽ tiếp đà tăng trưởng, đặc biệt sau khi đã hoàn thành giai đoạn đầu tái cơ cấu và hội nhập sâu hơn.
Ông nhận định ra sao về thị trường chứng khoán, bảo hiểm và trái phiếu cũng như triển vọng thị trường vốn của chúng ta trong năm nay?
Thị trường chứng khoán năm qua trải qua rất nhiều biến động nhưng tính chung cả năm vẫn tăng trưởng khá cao, khoảng 6,1%. Trong khi đó chỉ có một vài thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, khu vực EU,… tăng trưởng thấp hơn. Chỉ số chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương năm qua cũng chỉ tăng 2-3%. Một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines,… đều suy giảm.
Năm qua, thị trường chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, lành mạnh hóa, qua đó giảm số lượng các công ty chứng khoán yếu kém, đã có thêm một số sáng kiến mới, chỉ số mới, sản phẩm mới cho chứng khoán để năm nay vận hành, thị trường phái sinh dự kiến thiết lập.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn ở mức độ biến động cao do hội nhập nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường bên ngoài đặc biệt là Trung Quốc, cộng với việc giá dầu giảm mạnh tác động đến nhóm cổ phiếu dầu khí giảm đáng kể do yếu tố tâm lý.
Thị trường bảo hiểm tăng trưởng khá tốt trong năm qua. Theo tính toán sơ bộ của tôi, doanh thu bảo hiểm năm qua tăng 17% cả nhân thọ và phi nhân thọ và thị trường còn phát triển hơn nữa. Điều này chứng tỏ thu nhập của người dân tốt hơn và doanh nghiệp và người dân đã quan tâm hơn về bảo hiểm. Chỉ số doanh thu phí bảo hiểm so với GDP cuối năm 2015 là 1,8%, tăng so với mức 1,3% năm 2013.
Tuy nhiên, so với ASEAN thị trường bảo hiểm của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn, phát triển nhưng chưa bền vững, chưa bài bản, cạnh tranh chưa thực sự sòng phẳng.
Về thị trường trái phiếu, thị trường này tăng trưởng tích cực trong những năm vừa qua. Cuối năm 2015, quy mô thị trường trái phiếu chiếm 21% GDP. Song, thị trường vẫn có 3 nhược điểm chính: Quy mô nhỏ bé trong khi có nước trong khu vực lên tới 100% GDP; Thị phần chủ yếu là TPCP chiếm đến 80%; Hoạt động hỗ trợ cho trái phiếu chưa được phát triển như xếp hạng tín nhiệm, công bố thông tin, thủ tục liên quan đến thẩm định, phát hành, doanh nghiệp tư vấn cho phát hành trái phiếu chưa phải là nhiều và chuyên nghiệp.
Tựu chung lại, thị trường vốn năm nay sẽ tích cực hơn năm 2015 nhưng sẽ đối mặt với bài toán phức tạp hơn với 4 yếu tố chính: diễn biến và áp lực của tỷ giá còn lớn; lãi suất giảm được tiếp là cực kỳ khó khăn; kịch bản giá dầu dự kiến tiếp tục giảm tác động đến ngân sách và một số chính sách điều hành, trong đó theo tôi yếu tố tích cực sẽ lớn hơn tiêu cực; thị trường chứng khoán thế giới đặc biệt từ thị trường Trung Quốc sẽ tác động đến Việt Nam…
Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông. Nhân dịp đầu xuân, xin kính chúc ông một năm mới an khang, thịnh vượng!