Chính sách tiền tệ: Qua rồi gian khó

Như loài cá hồi “dũng cảm” bơi ngược dòng sông để bắt đầu một chu kỳ sống mới, lĩnh vực ngân hàng sau 5 năm vượt qua vô số thác ghềnh, nay đang hồi sinh trở lại. Vốn dĩ được ví là huyết mạch của nền kinh tế, từng trải qua giai đoạn cam go vì phát triển nóng, nhưng cuối cùng, họ đã đi lên nhờ ý chí và nội lực!
Ngân hàng đã qua giai đoạn “nguy hiểm”, nay thanh khoản hệ thống đã dồi dào. Ảnh: Như Ý
Ngân hàng đã qua giai đoạn “nguy hiểm”, nay thanh khoản hệ thống đã dồi dào. Ảnh: Như Ý
Ngân hàng đã qua giai đoạn “nguy hiểm”, nay thanh khoản hệ thống đã dồi dào. Ảnh: Như Ý

Thời kỳ “ngồi trên lửa”

Dạo đó, vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, cánh phóng viên viết về ngân hàng như bị cuốn vào “chảo lửa”. Thông tin về vàng, tỷ giá, tái cơ cấu, lãi suất thì đổ về ăm ắp, nhưng cũng khá… “nhiễu”. Ðến mức, bất kỳ người cầm bút nào có trách nhiệm cũng phải căng tai tìm hiểu và thẩm lọc.

Quãng đầu năm 2012, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ra đời.  Ngay khi có thông tin nhà điều hành chọn vàng miếng thương hiệu SJC làm thương hiệu vàng Quốc gia, không ít lời ồn ào về câu chuyện có hay không lợi ích nhóm. Những doanh nghiệp làm vàng miếng như Bảo Tín Minh Châu, rồi vàng Agribank hay PNJ cũng “nhao” lên phản đối, trong lúc giới buôn vàng lâu năm “hậm hực” vì không còn được thoải mái như xưa.

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng thương mại (NHTM) được tiếp tục huy động và cho vay vàng đồng thời yêu cầu tất toán sạch, dư luận lại ồn lên một phen. Không ít doanh nghiệp, chuyên gia và ngân hàng phản ứng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước dẫu quyết tâm “xử” cho bằng được cuộc chiến “vàng hoá” cũng không ít lần “cáu” trước những bài báo chỉ trích gay gắt sự độc quyền cầm trịch đấu thầu hay quyết định giá vàng; thậm chí có ý kiến còn đề nghị làm rõ lợi nhuận đấu thầu này mang lại.

Tại kỳ họp cuối, tại sao Quốc hội không hỏi chúng ta là vì Quốc hội muốn dành cho hệ thống ngân hàng một phần thưởng để ghi nhận những đóng góp của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua”.Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị ngành NHNN ngày 25/12/2015
Mãi sau này, “ông độc quyền” mới “rửa” được tiếng oan khi chỉ ra: Về bản chất đó là chuyện Ngân hàng Nhà nước đang tự xử lý chính các NHTM của mình, còn bao nhiêu “lãi” thu được từ đấu thầu vàng - lập tức chuyển về “túi” tiền ngân sách Nhà nước.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với lãi suất. Khi người đứng đầu ngành, ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc tuyên bố sẽ hạ lãi suất cho vay (đang từ 23-24%/năm xuống 16-17% năm đầu tiên; 12-13% năm thứ hai và dưới 10% vào những năm sau...) nhất loạt chẳng  ai tin. Thậm chí, cánh báo chí còn đùa nhau: “Thống đốc chém gió...”. Không tin là phải vì thời điểm đó, còn nhớ vào tháng 5/2012, thanh khoản cả hệ thống  căng như dây đàn, tiền gần như cạn trong nhiều nhà băng; lạm phát dâng cao trong khi tỷ giá cũng đang đe doạ. Năm đầu Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ đưa ra biên độ tỷ giá “cứng” trong năm chỉ tăng 2%, còn một cuộc đánh cá ngầm “ông này” sẽ thua... . Vậy mà cuối cùng, tất cả những gì “chém gió” thành hiện thực. Ngọn lửa ngùn ngụt cháy từ từ dịu xuống!

Ðã qua giai đoạn nguy hiểm

Không ít dưới vài lần, trong các hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa, người đến nay được xem là “cây đại thụ” trong phản biện lĩnh vực ngân hàng  từng “tự sự” nói về giai đoạn “nguy hiểm” của hệ thống này. (Ông Nghĩa tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại ÐH Harvard vốn kinh qua quản lý với vị trí Vụ trưởng NHNN rồi Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia; kiêm từng làm doanh nghiệp và là chuyên gia rất có tiếng nói trong Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia - PV). Có lần ông nhớ lại: giai đoạn đó là quãng thời gian “vàng hoá” khi  cứ mỗi cơn sốt vàng trào lên thì nhà nhà, người người có tiền đều đổ xô đi mua vàng. Thậm chí, ông không ngại kể:“bà vợ tôi khi ấy cũng lo lắng khi nhìn tiền đồng mất giá nên lẳng lặng đi rút tiết kiệm mua vàng giá cao”.

Hôm ở hội thảo “3 năm xử lý nợ xấu và tái cơ cấu” cuối năm vừa rồi (tháng 11/2015), trên bàn chủ tọa, ông Nghĩa nhìn bao quát khán phòng rồi mới trầm ngâm: “Hôm nay, có vài ba thế hệ có liên quan đến tái cấu trúc ngân hàng ở đây, tôi nhìn thấy những gương mặt quen thuộc. Có lẽ ai cũng nhớ thanh khoản ngân hàng thương mại thời điểm đó khó khăn rất lớn, căng thẳng, thị trường vàng biến động mạnh, tỷ giá hối đoái mạnh, hệ thống Ngân hàng thời điểm đó "ngàn cân treo sợi tóc".

Ngày 28/12/2015 trong buổi Tọa đàm nói chuyện về thị trường chứng khoán và kinh tế Việt Nam trước thời điểm hội nhập 2016, nhà “ngân hàng học” này đã  “mổ xẻ” nền kinh tế và cơ thể hệ thống tiền tệ.  Thêm một lần nữa lại nghe ông nhắc lại: “Dù còn nhiều việc phải làm tới đây, nhưng có thể nói hệ thống ngân hàng đã qua giai đoạn “nguy kịch” dễ đổ vỡ nhất. Hiện thị trường vàng đã ổn định, lòng tin của công chúng phục hồi mạnh mẽ và quan trọng chúng ta đã chặn được cú sốc thanh khoản".

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Chính sách tiền tệ: Qua rồi gian khó - ảnh 1

Thậm  chí, khi nói về xử lý nợ xấu, ông Nghĩa từng “kể khổ” VAMC  khi hoạt động mà không tiền đã đành, đến cả cơ chế cũng đang bị trói và không ngần ngại nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao chương trình xử lý nợ xấu; khi mà tôi làm Vụ trưởng, nợ xấu xấp xỉ 5%, sau đó xấp xỉ 17% và phần lớn nợ xấu là BÐS. Các NHTM phân loại nợ xấu rất rõ ràng theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và phải nói rằng xử lý rất tốt”.

Cuối cùng nói về tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn tồn tại nhiều năm qua ở các ngân hàng, vị này cũng cho rằng: “Bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xử lý, hiện một số ông chủ NHTM đã nhận ra rằng họ không thể lợi dụng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn mà có ảnh hưởng nhiều đến hệ thống”.

Điều hành CSTT đã Tự tin hơn

Buổi tổng kết ngành cuối năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước không quá ồn ào. Tuy nhiên, nếu so sánh với những lần cùng kỳ của vài năm trở về trước, có cảm nhận bầu không khí dường như đã nhẹ nhõm, tươi tắn hơn.

Vốn là người kiệm lời phát biểu, vậy mà khi chỉ đạo Hội nghị,  Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Văn Ninh không tiếc lời “khen” chính sách tiền tệ. Phó Thủ  tướng nhớ lại: “Ðầu nhiệm kỳ 2011 – 2015 các biến động về tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng trên thị trường là rất lớn. Khi đó, chúng ta bàn để đưa ra các giải pháp còn lo lắng đến sự đổ vỡ cả hệ thống. Chính vì vậy, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm chúng ta phải chuyển định hướng điều hành từ chỗ phát triển kinh tế nhanh và bền vững sang ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng hợp lý.” 

Nhìn nhận chính sách tiền tệ nay đã điều hành tự tin hơn, Phó Thủ tướng cũng lưu ý trước mắt toàn ngành còn nhiều khó khăn nhưng nếu nhìn cả nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ có nhiều thuận lợi do được kế thừa từ giai đoạn trước. “Tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng khá nhưng không đồng đều, chiến tranh, các quyết sách điều hành của các nước lớn sẽ tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập sức ép vô cùng lớn ở trong nước. Năm 2016 so với năm 2015 tôi thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ và vĩ mô sẽ khó hơn vì nhiều áp lực. Ví dụ: lạm phát, nếu giá dầu có biến động tăng thì cũng tác động tới điều hành CSTT”, Phó Thủ tướng nói.

Tạm kết

Lần giở lại, trong đợt chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, 175 câu hỏi đã được các đại biểu chuyển tới các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên không có câu hỏi nào dành cho người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước . Ðiều này, có vẻ như trái ngược hẳn giai đoạn đầu nhiệm kỳ, không ít không ít đại biểu Quốc hội đã rất lo lắng về việc tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Theo lời sau này của nhiều đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri -  hầu hết họ đều nghe đánh giá cao sự nỗ lực của ngành và mừng cho lĩnh vực tiền tệ “luôn nóng như lò than” này, trước mắt nay dần… “tạm nguội”. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư