“Phá” chốt chặn nhân sự tại gói thầu mua sắm hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tư số 09/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) có nhiều nội dung đột phá. Đặc biệt, Thông tư đã có những hướng dẫn để khắc phục tình trạng biến hồ sơ mời thầu thành những “chốt chặn” nhà thầu. Trong đó, nội dung liên quan đến nhân sự được cải tiến rõ nét.
Gói thầu số 01 Đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư yêu cầu đến 45 nhân sự chủ chốt. Ảnh Internet
Gói thầu số 01 Đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư yêu cầu đến 45 nhân sự chủ chốt. Ảnh Internet

Nhân sự - chốt chặn ám ảnh nhất

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị, hàng hóa cảm thán: “Hiện nay, trong hồ sơ mời thầu (HSMT), nan giải và ám ảnh nhất chính là các yêu cầu về nhân sự chủ chốt. Nổi lên hiện tượng là đòi hỏi số lượng nhân sự chủ chốt quá nhiều và yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự quá cao, quá nhiều, không phù hợp với yêu cầu, tính chất của gói thầu”.

HSMT Gói thầu Mua sắm thuộc Dự án Mua sắm tập trung của UBND huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cờ Đỏ làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu có thể xem là một ví dụ điển hình. Tại gói thầu có dự toán 4 tỷ đồng này, Bên mời thầu đưa ra tiêu chí yêu cầu nhà thầu đề xuất 36 nhân sự chủ chốt.

Gói thầu số 01 Đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư gồm 2 phần. Phần 1 gồm đồng phục y tế có giá trị 6.162.180.000 đồng; phần 2 gồm khẩu trang kháng khuẩn giá trị 189.684.000 đồng. Hai gói thầu này yêu cầu đến 45 nhân sự chủ chốt (công nhân). Điều này đã khiến cho nhà thầu bức xúc: “Bên mời thầu đang tìm nhà thầu hay tìm nhà máy?”.

Bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự cũng là một trong những yêu sách trái với tinh thần của Luật Đấu thầu mà nhiều bên mời thầu vẫn áp dụng, thậm chí lạm dụng. Trong khi Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết đối với yêu cầu nhân sự chủ chốt phải có trình độ chuyên môn phù hợp, chứ không cho phép yêu cầu thêm các chứng chỉ, chứng nhận khác hoặc là đã tham gia thi công một dự án nào đó. Hiện nay, chứng chỉ, chứng nhận trở thành phép “thần thông” nhằm loại bỏ đại đa số nhà thầu dự thầu. Cụ thể, có những gói thầu cung cấp bàn ghế học sinh, bên mời thầu yêu cầu nhân sự chủ chốt phải có bằng cao đẳng nghề trở lên lĩnh vực điện tử. Những nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị máy tính văn phòng thường xuyên gặp các yêu cầu chứng chỉ an toàn lao động, bảo hộ lao động…

Không được tùy tiện yêu cầu nhân sự chủ chốt

Thông tư số 09/2020/TT-BKHĐT dành riêng Điều 6 để quy định “Yêu cầu về huy động nhân sự thực hiện gói thầu”. Cụ thể, “đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi nhân sự thực hiện dịch vụ liên quan phải có trình độ cao thì không yêu cầu về nhân sự chủ chốt. Trường hợp các dịch vụ liên quan có yếu tố đặc thù, phức tạp cần thiết phải do nhân sự có hiểu biết, nhiều kinh nghiệm đảm nhận thì có thể đưa ra yêu cầu về huy động nhân sự chủ chốt để thực hiện các công việc đặc thù, phức tạp này. Trường hợp yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt, trong tờ trình phê duyệt HSMT phải nêu rõ lý do để chủ đầu tư xem xét, quyết định. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt không dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Theo các nhà thầu, đây là quy định rất đột phá, chặt chẽ và được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn tư duy coi nhân sự như một chốt chặn cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu.

Trường hợp HSMT có yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt, trong hồ sơ dự thầu (HSDT), nhà thầu phải chứng minh khả năng sẵn sàng huy động các nhân sự chủ chốt đã đề xuất để tham gia thực hiện gói thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT. Nhân sự chủ chốt có thể thuộc biên chế của nhà thầu hoặc do nhà thầu huy động. Trường hợp nhân sự chủ chốt do nhà thầu đề xuất chưa đáp ứng yêu cầu của HSMT, tổ chuyên gia, bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu thay thế nhân sự khác đáp ứng yêu cầu trong khoảng thời gian phù hợp để tiếp tục xem xét, đánh giá mà không loại bỏ ngay HSDT của nhà thầu. Trong mọi trường hợp, nhà thầu phải bảo đảm thông tin kê khai về lý lịch, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt là trung thực.

“Những hướng dẫn giúp nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư/bên mời thầu khi lập HSMT và xử lý tình huống khi cần đề xuất nhân sự chủ chốt mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhà thầu đáp ứng yêu cầu. Đề xuất cho phép thay thế nhân sự mà không loại bỏ ngay HSDT của nhà thầu thực sự là cải cách lớn mà Thông tư số 09 đem lại cho các nhà thầu”, ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Phân phối FPT đánh giá.

Chuyên đề