Nhiều giải pháp khai thông điểm nghẽn tăng trưởng

(BĐT) - Chỉ còn 4 tháng để giải ngân hết một lượng vốn đầu tư công rất lớn. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng có thể làm được khi tất cả các bộ, ngành, địa phương cùng quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Một số dự án ODA quy mô lớn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhiều lần là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm. Ảnh: Lê Tiên
Một số dự án ODA quy mô lớn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhiều lần là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công nửa đầu năm nay do nhiều nguyên nhân. Giai đoạn đầu năm phải thực hiện nhiều thủ tục để có đủ điều kiện triển khai dự án, có khối lượng để giải ngân tại kho bạc. Công tác phối hợp để hoàn thiện các thủ tục giữa chủ đầu tư với các cơ quan liên quan và nhà thầu chưa tốt cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Một nguyên nhân quan trọng nữa là công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Vẫn theo ông Phương, giao vốn là một trong những lý do tác động đến khả năng giải ngân. Tuy nhiên, công tác giao vốn phải phụ thuộc vào các quy định của pháp luật, dự án muốn được giao vốn phải có đủ hồ sơ, quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án, chủ đầu tư phải thuê tư vấn lập báo cáo khả thi, làm thủ tục thẩm định, sau đó phê duyệt dự án. Những thủ tục này là bắt buộc, dù vốn có giao luôn nhưng dự án chưa có đủ điều kiện thì cũng chưa thể giải ngân được. Các khâu trên mất thời gian khá dài cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân.

Về giải ngân vốn ODA, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, giải ngân vốn ODA đã “sáng sủa hơn” con số của 6 tháng đầu năm. Tới 31/7/2017, đã giải ngân đạt 42% kế hoạch, tuy nhiên cũng chỉ bằng 95% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính khiến giải ngân chậm là quá trình từ khi phê duyệt khoản vay đến khi giải ngân được đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải qua nhiều bước. Đối với dự án ODA còn phải theo thủ tục của nhà tài trợ, ví dụ như trong công tác đấu thầu. Trung bình từ khi khoản vay được bên tài trợ và Chính phủ Việt Nam thống nhất đến khi có thể ký được hợp đồng tư vấn phải mất khoảng 2 năm và 3 năm đối với hợp đồng xây lắp. Nói cách khác, theo ông Khánh, từ khi có tiền đến khi giải ngân được với dự án ODA phải mất 2 đến 3 năm.

Ngoài những nguyên nhân cố hữu, giải ngân vốn ODA năm 2017 còn bị chậm trễ vì nguyên nhân đặc thù, mới phát sinh trong năm nay. Thực hiện Luật NSNN 2015, nhiều quy định đối với dự án ODA, vốn vay ưu đãi có thay đổi, nhưng các đơn vị không kịp thời thực hiện theo quy định mới, dẫn đến một số dự án có khối lượng để giải ngân lại không được ghi kế hoạch để giao vốn. Một số dự án ODA quy mô lớn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhiều lần, ví dụ metro Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tới 3 lần, thì phải trình phê duyệt lại chủ trương, mặc dù sẵn sàng giải ngân lượng vốn lớn, nhưng chưa đủ thủ tục để giao vốn.

Ông Khánh cho biết thêm một nguyên nhân “thời sự” là một số dự án công tác chuẩn bị đã xong nhưng không thể ký kết được hợp đồng với nhà thầu vì không có cát xây dựng. 

Không giải ngân sẽ bị điều chuyển vốn

Theo ông Lưu Quang Khánh, từ 1/7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) không tiếp tục hỗ trợ nguồn IDA. Từ 1/1/2019, ADB cũng không hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi nhất của họ và một số nhà tài trợ khác cũng dần dần giảm những khoản vốn ưu đãi nhất dành cho Việt Nam. Các khoản vay sẽ chịu lãi suất cao hơn, thời hạn ngắn hơn, và mất một số khoản chi phí khác. Theo một tính toán của ADB, giải ngân dự án ODA chậm sẽ làm tăng chi phí 17,6%/năm. Trung bình chậm 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí 50%.

Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, trong đó phải hạn chế tối đa điều chỉnh tổng mức đầu tư; kiểm soát chặt tiến độ các dự án kết thúc năm 2017, 2018; dự án nào không giải ngân được phải điều chuyển vốn, tái cơ cấu hoặc thậm chí hủy vốn.

Ông Khánh chia sẻ thêm, ở đâu đó vẫn còn tư duy ODA là viện trợ cho không, nên không chú trọng đến việc phê duyệt dự án. Chính phủ đã chỉ đạo phải tăng cường cho vay lại, từ đó chính quyền địa phương phải có trách nhiệm với Chính phủ trong sử dụng nguồn vốn này, cũng như có trách nhiệm hơn trong việc phê duyệt dự án của mình.

Về vốn NSNN, ông Trần Quốc Phương cũng cho biết sẽ có nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân trong các tháng còn lại của năm. Theo đó, đến 31/8 phải rà soát, tiến hành điều hòa, điều chuyển từ dự án không giải ngân được, không hấp thụ được chuyển sang dự án giải ngân tốt. Bộ KH&ĐT cũng sẽ báo cáo Chính phủ có thể điều chuyển ở quy mô rộng hơn từ bộ, ngành, địa phương này sang bộ, ngành, địa phương khác. Đối với vốn chưa giao, phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý hết.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được đưa ra và tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thì hy vọng trong giai đoạn nước rút này sẽ hoàn thành được mục tiêu giải ngân.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư