Tín hiệu tích cực từ giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - Sau những tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công “lẹt đẹt”, đến nay, nhiều địa phương đã công bố những con số giải ngân khả quan hơn và tự tin có thể giải ngân hết số vốn được giao. 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực rà soát, tổng hợp để sớm báo cáo Chính phủ định hướng sửa đổi pháp luật về đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực rà soát, tổng hợp để sớm báo cáo Chính phủ định hướng sửa đổi pháp luật về đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Những nỗ lực sớm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đối với tình hình giải ngân nguồn vốn đầu công trong năm nay, từ đó góp phần tạo tác động lan tỏa đối với nền kinh tế.

Nhiều địa phương ước hoàn thành giải ngân vốn

Qua những tháng đầu năm, khi tình hình giải ngân đầu tư công chậm so với kế hoạch, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc với nhiều chỉ đạo quyết liệt. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ mỗi tháng, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để không lãng phí nguồn lực và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng đã liên tục đốc thúc giải ngân, đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều biện pháp mạnh được lãnh đạo Chính phủ đưa ra, như thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Gần đây nhất, ngày 3/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong Nghị quyết, Chính phủ tiếp tục yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2017.

Theo Bộ Tài chính, những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác giải ngân vốn đầu tư tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ những tháng gần đây đã và đang tạo chuyển biến trong thanh toán vốn đầu tư. Ước tính vốn đầu tư thanh toán trong tháng 7 tăng khoảng 1,8 lần so với tháng 6.

Đến nay, nhiều địa phương cũng đã tự tin ước tính khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay. Tỉnh Yên Bái giải ngân được 1.160 tỷ đồng vốn đầu tư năm 2017, bằng 56% vốn đã giao và ước thực hiện giải ngân đến hết năm 2017 đạt 100% kế hoạch; tỉnh Hà Giang giải ngân được 1.191 tỷ đồng, đạt 66,07% kế hoạch và ước sẽ giải ngân 100% theo đúng thời hạn giải ngân từng nguồn vốn; tỉnh Bắc Giang cũng đạt mức giải ngân cao hơn cùng kỳ năm trước và ước cả năm giải ngân hết 100% kế hoạch đã giao;…

Hà Nội tuy 7 tháng mới giải ngân được 38,8% kế hoạch giao đầu năm, nhưng lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cho biết, hiện nhiều dự án có tiến độ thực hiện tốt, có nhu cầu và khả năng giải ngân vượt kế hoạch vốn đã giao, nhất là các dự án trọng điểm được chỉ đạo rất quyết liệt để đến cuối năm phải giải ngân hết kế hoạch vốn giao hoặc bổ sung (nếu có).

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo các địa phương, hiện vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công và pháp luật liên quan, có thể khó khăn cho công tác giải ngân và lập kế hoạch vốn đầu tư công. Tỉnh Tuyên Quang chỉ ra khó khăn mang tính “con gà - quả trứng”, đó là khi lập kế hoạch đầu tư công, phải có danh mục dự án đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn. Nhưng để phê duyệt được chủ trương đầu tư một dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn và mới có dự án để đăng ký kế hoạch. Sở KH&ĐT Tuyên Quang cho biết thêm, hiện quy định về cơ quan tổng hợp trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án còn mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Việc tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư của từng dự án theo Nghị quyết số 89/NQ-CP trong khi không có hướng dẫn cụ thể là điểm gây khó khăn, lúng túng mà Sở KH&ĐT Cao Bằng chỉ ra. Ngày 3/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP đã phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT Yên Bái kiến nghị, để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp cho các địa phương thực hiện việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án nhóm C sử dụng ngân sách trung ương, các địa phương tự chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thẩm định và bố trí vốn cho các dự án, bộ ngành trung ương có trách nhiệm tiến hành hậu kiểm.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội đề xuất nghiên cứu sửa đổi để thống nhất quy định về đánh giá tác động môi trường tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư của dự án giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư công. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Hiện Bộ KH&ĐT đang tích cực rà soát, hoàn thiện để sớm báo cáo Chính phủ định hướng sửa đổi pháp luật về đầu tư công, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi, để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư công, vừa tạo thuận lợi trong thực hiện.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư