Giải tỏa ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - Để đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7%, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Lãnh đạo Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao về vấn đề này.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án, vai trò của chủ đầu tư, nhà thầu là rất quan trọng. Ảnh: Tường Lâm
Để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án, vai trò của chủ đầu tư, nhà thầu là rất quan trọng. Ảnh: Tường Lâm

Góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 88,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chậm hơn. Thực tế có nhiều công trình có khối lượng thi công nhưng chưa hoàn thành các thủ tục giải ngân. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, 5 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn NSNN được 76.260 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán của Quốc hội quyết định và 24,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao (cùng kỳ năm 2016 đạt 20,9%). Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm tuy tăng so với cùng kỳ nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Có 20/44 bộ, ngành trung ương và 4/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, trong đó 13 bộ, ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch.

Trong phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung theo dõi sát, kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017 và 5 năm 2016 - 2020; không để tình trạng chậm giao vốn, chậm triển khai thực hiện và giải ngân hoặc vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư công, nhất là ở các cấp cơ sở.

Nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm nay, nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vốn và khai thác tài nguyên. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, bên cạnh đẩy mạnh hơn khai khoáng khi có cơ hội thuận lợi, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công đang ngày càng cắt giảm, không còn cách nào khác là phải sử dụng hiệu quả, giải ngân nhanh nguồn vốn này, tránh để ách tắc, lãng phí nguồn vốn. 

Kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân

Một số ý kiến từ địa phương phản ánh nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; chậm trễ trong thực hiện thủ tục giải ngân; năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu còn thấp,…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận Luật Đầu tư công dù đã quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn hoạt động đầu tư công, tuy nhiên còn một số điểm chưa phù hợp, gây khó khăn trong thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tích cực rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong triển khai Luật này để tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ Luật Đầu tư công, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng cũng cần phải tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, đơn giản hóa các quy định trong khâu chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, theo dõi, giám sát môi trường.

Bên cạnh đó, phải có biện pháp mạnh để xử lý đối với những trường hợp chậm trễ thông báo và giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017; kiên quyết trong việc điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác hoặc không bố trí kế hoạch vốn năm sau để thực hiện hết số vốn đã giao. Đặc biệt, phải có biện pháp xử lý đối với những bộ, cơ quan, địa phương có mức giải ngân thấp; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân, thậm chí thay thế cán bộ, cá nhân gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.

Theo một cán bộ của Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân thấp hơn tiến độ thực hiện dự án có nguyên nhân quan trọng do các chủ đầu tư chậm hoàn thiện hồ sơ thanh toán với Kho bạc Nhà nước, vì thế cần đẩy nhanh thủ tục này, không để dồn thanh toán vào cuối năm; khẩn trương phê duyệt quyết toán với dự án hoàn thành, giải ngân hết số vốn cho nhà thầu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án, vai trò của chủ đầu tư, nhà thầu là rất quan trọng. Cần phải lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực như thông thầu, gian lận, can thiệp bất hợp pháp, trường hợp phát hiện ra phải xử lý theo quy định hoặc rút vốn, điều chuyển vốn cho dự án, công trình khác.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, phải xác định đúng địa chỉ - cá nhân vi phạm và kiên quyết xử lý trách nhiệm, không chỉ xử lý hành chính, nếu sai phạm nghiêm trọng, thất thoát lớn, phải xử lý hình sự, như vậy mới có tính răn đe.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư