Kỳ vọng Luật PPP sẽ khơi thông vốn vào hạ tầng

(BĐT) - Một cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tốt cần bắt đầu với một hệ thống pháp luật tốt. Luật PPP, theo ý kiến của nhiều đơn vị gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), là rất cần thiết, mang lại nhiều lợi ích, không chỉ đơn thuần giải quyết thiếu hụt nguồn lực.
Luật PPP cần quy định rõ hơn các cơ chế, chính sách để bảo đảm rủi ro cho dự án. Ảnh: Lê Tiên
Luật PPP cần quy định rõ hơn các cơ chế, chính sách để bảo đảm rủi ro cho dự án. Ảnh: Lê Tiên

Đặc biệt, Luật PPP được giới đầu tư nước ngoài rất trông đợi, kỳ vọng sẽ tháo được những nút thắt đang khiến họ e ngại dù rất quan tâm đến các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Giải tỏa tâm lý e ngại vì thiếu khung pháp lý đủ mạnh

Theo Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH&ĐT, PPP mang lại nhiều lợi ích như bổ sung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng; đưa công trình vào vận hành sớm đáp ứng nhu cầu dịch vụ cấp bách khi khu vực công chưa cân đối đủ nguồn lực; tạo sự cạnh tranh cho thị trường và cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ hạ tầng; tạo sự công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ công. Đây là xu hướng của nhiều nước phát triển, dù nguồn lực của họ không thiếu.

Nhiều năm qua, đặc biệt từ khi Quy chế thí điểm về PPP được ban hành năm 2010, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự quan tâm, mong muốn đầu tư vào dự án hạ tầng tại Việt Nam. Thế nhưng, sự tham gia là rất hạn chế, vì e ngại lớn nhất là sự thiếu ổn định của khung khổ pháp lý khi pháp lý hiện hành về PPP mới dừng lại ở mức Nghị định, dẫn đến việc triển khai các dự án PPP gặp nhiều xung đột, gây rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, Nhóm Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một trong những khó khăn với các dự án PPP tại Việt Nam là phải tuân theo những quy định pháp luật hiện hành trong khi những luật này chủ yếu nhắm đến các dự án không thuộc mô hình PPP! Các luật chuyên ngành lại có thứ tự ưu tiên áp dụng cao hơn Nghị định về PPP. Theo Nhóm Cơ sở hạ tầng, hầu như không có dự án nào đã thực hiện đi theo hình thức PPP quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 63 (về đầu tư theo hình thức PPP), chưa có dự án PPP nào có sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài.

Nhóm Cơ sở hạ tầng đánh giá, Luật PPP là rất cần thiết để tạo ra khung pháp lý đủ mạnh, sẽ được ưu tiên áp dụng so với những quy định tại các luật khác nếu các quy định đó trái với những yêu cầu của một dự án PPP. Đồng thời, Luật PPP được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều hơn các dự án PPP thực sự thành công. 

Phân bổ rủi ro hợp lý

Ngoài việc thiếu khung pháp lý đủ mạnh, thì theo nhiều ý kiến, nhà đầu tư còn rất e ngại trước những rủi ro ngoài tầm kiểm soát mà các cơ chế bảo lãnh còn chưa được điều chỉnh tại Nghị định về PPP. Bên cạnh đó, cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro chưa hợp lý, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chú trọng, trong khi theo thông lệ quốc tế, bước đầu tiên để xây dựng cấu trúc dự án PPP là đưa ra một danh sách toàn diện về tất cả các rủi ro liên quan đến dự án.

Theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam, với dự án PPP, quan trọng nhất là việc cân bằng hợp lý các rủi ro, các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo những hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có. Ví dụ, về rủi ro ngoại hối, cần có một bên phải chịu. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro đó vào dự án khiến dự án trở nên tốn kém hơn và không mang tính kinh tế cao.

Bộ KH&ĐT cho biết, thực tiễn triển khai các dự án PPP tại Việt Nam cho thấy, việc xây dựng hợp đồng PPP chưa căn cứ trên cơ sở phân tích các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án, để từ đó hình thành trách nhiệm của các bên đối với việc giảm thiểu rủi ro. Do đó, khi phát sinh rủi ro thường xảy ra tranh chấp. Trong tương lai, để nâng cao tính pháp lý trong hợp đồng PPP, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài, thì quy định cũng như kỹ năng xác định và phân bổ rủi ro của các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng phải được nâng cao. Luật về PPP cần quy định, cụ thể hóa các rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên đối với việc đảm nhiệm, xử lý các rủi ro trong việc thực hiện dự án PPP trên nguyên tắc “rủi ro sẽ được phân chia cho bên có khả năng tốt nhất để quản lý rủi ro đó”.

Cùng với đó, các cơ chế, biện pháp thu hút, đảm bảo đầu tư thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh của Chính phủ, theo Bộ KH&ĐT, cũng sẽ được nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật.

Theo nhiều ý kiến góp ý xây dựng Luật PPP gửi đến Bộ KH&ĐT thì Luật PPP cần quy định rõ hơn các cơ chế, chính sách để bảo đảm rủi ro cho dự án, như bảo lãnh doanh thu tối thiểu hoặc bảo đảm lưu lượng; bảo đảm ngoại tệ liên quan đến tỷ giá và lượng ngoại tệ cung ứng sẵn sàng trong quá trình chuyển đổi; bảo đảm rủi ro về chính sách, chính trị... Tuy nhiên, vẫn còn một số quan ngại vì bảo lãnh ngoại tệ không kiểm soát chặt có thể gây ra áp lực đối với quản lý ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư