Cần luật hóa quy định về bảo lãnh dự án PPP

(BĐT) - Với thị trường như Việt Nam, việc nghiên cứu một số hình thức bảo lãnh áp dụng cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là điều kiện cần để tiếp tục khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án hạ tầng và cung cấp dịch vụ công theo hình thức đầu tư này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cần thiết hỗ trợ của Nhà nước

Thực tiễn cho thấy, các dự án kết cấu hạ tầng nói chung và dự án hạ tầng giao thông nói riêng thường có quy mô đầu tư lớn, thời gian đầu tư xây dựng và vận hành thu hồi vốn dài, phụ thuộc nhiều vào yếu tố (từ kỹ thuật, tự nhiên đến kinh tế, xã hội và chính trị), nên được đánh giá là có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, việc kêu gọi nhà đầu tư tư nhân vào các dự án PPP hạ tầng cũng khó khăn hơn nhiều so với dự án thuộc lĩnh vực khác và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp giữa các bên là một yếu tố quan trọng quyết định đến mức độ hấp dẫn của dự án PPP đối với nhà đầu tư cũng như sự thành công hay thất bại của hợp đồng PPP.

Theo Bộ Tài chính, các công cụ phía Nhà nước thường được sử dụng nhằm chia sẻ rủi ro, khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng giao thông gồm hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp. Hỗ trợ trực tiếp có thể thông qua hỗ trợ chi phí chuẩn bị dự án, chi phí xây dựng, hỗ trợ thông qua các khoản thuế, hỗ trợ chi phí vận hành. Hỗ trợ gián tiếp thông qua bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái và ngoại hối, bảo lãnh đối với bên thứ ba, áp dụng các sản phẩm bảo hiểm.

Bộ Tài chính nhận định, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các dự án hạ tầng ngành giao thông, các sản phẩm bảo hiểm hay các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường vốn còn rất hạn chế, việc nghiên cứu cách thức chia sẻ rủi ro thông qua một số hình thức bảo lãnh theo thông lệ quốc tế để áp dụng thí điểm cho một số dự án quan trọng ngành giao thông, qua đó tăng thêm khả năng kêu gọi đầu tư tư nhân vào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là giải pháp có tính khả thi hơn là hỗ trợ trực tiếp. 

Bảo lãnh rủi ro phù hợp sẽ gỡ nút thắt hút vốn nước ngoài

Theo Bộ GTVT, ngành giao thông mới chỉ kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước tham gia vào dự án kết cấu hạ tầng với năng lực tài chính, kỹ thuật hạn chế. Các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng nước ngoài khi tiếp cận các dự án PPP ngành giao thông đều đề nghị Chính phủ có chính sách bảo lãnh liên quan các rủi ro về doanh thu, khả năng chuyển đổi ngoại tệ, thực hiện trách nhiệm của Chính phủ.

Ba yếu tố liên quan đến doanh thu, ngoại tệ và trách nhiệm bên thứ ba mà các nhà đầu tư nước ngoài nêu ra như thông tin của Bộ GTVT là các hình thức bảo lãnh mà chính phủ của nhiều nền kinh tế đang phát triển có thị trường PPP còn hạn chế như Việt Nam đã áp dụng nhằm tạo sự tự tin cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án PPP.  Ngoài ra, một số hình thức bảo lãnh khác cũng đã được áp dụng như bảo lãnh về thu nhập tối thiểu được áp dụng tại Mexico và Chile; bảo lãnh giá trị hiện tại của doanh thu thấp nhất (Chile)…

Bộ Tài chính cho rằng, trong giai đoạn tới với các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường bộ cao tốc, sân bay… đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cần hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực thực sự. Muốn vậy, chính sách PPP cũng cần có những tương đồng với luật chơi quốc tế.

Theo Bộ Tài chính, những nội dung liên quan đến bảo lãnh hiện nay mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa được quy định trong chính sách về PPP hiện hành và còn vướng ở một số quy định pháp luật khác. Để bảo đảm tính pháp lý trong triển khai thực hiện, quy định về bảo lãnh cho các dự án PPP cần phải được luật hóa. 

Từ thực tiễn triển khai, Bộ KH&ĐT cũng nhận thấy, để thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính cho các dự án PPP, pháp lý về PPP cần quy định rõ hơn các cơ chế, chính sách để bảo đảm rủi ro cho dự án. Một trong những định hướng xây dựng Luật PPP, theo Bộ KH&ĐT, là quy định rõ hơn các cơ chế, biện pháp thu hút, bảo đảm đầu tư thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh của Chính phủ. Luật PPP cần có các ưu đãi, chính sách hỗ trợ phù hợp trên cơ sở một số nguyên tắc nhất định, đồng thời cần lưu ý các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án như: giải phóng mặt bằng, cơ chế huy động vốn cho dự án, vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án, chia sẻ rủi ro...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư