Nhiều thay đổi về PPP theo nguyên tắc cùng có lợi

(BĐT) - Hôm nay (19/6), Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (NĐ 63/2018) chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15/2015). 
Nghị định 63/2018/NĐ-CP sẽ giải quyết nhiều vấn đề tại các dự án PPP như thiếu minh bạch thông tin dự án, chỉ định thầu phổ biến...  Ảnh: Lê Tiên
Nghị định 63/2018/NĐ-CP sẽ giải quyết nhiều vấn đề tại các dự án PPP như thiếu minh bạch thông tin dự án, chỉ định thầu phổ biến... Ảnh: Lê Tiên

Sẽ có nhiều thay đổi trong thực hiện các dự án PPP nói chung, dự án BOT, BT nói riêng. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bức tranh về BOT, BT rất khác, với nhiều gam màu sáng hơn, khi mà lợi ích của 3 bên Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đều được chú trọng, hài hòa.

Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, vai trò của người dân

Với NĐ 63/2018, nhiều vấn đề mà dư luận, người dân bức xúc trong thời gian qua như việc thiếu công khai, minh bạch về thông tin của dự án, việc áp dụng chỉ định thầu phổ biến... sẽ được giải quyết.

Đó là những quy định để tăng cường công khai, minh bạch dự án PPP, tăng vai trò giám sát của người dân và cơ quan liên quan. NĐ yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư bài bản hơn; trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải tham vấn ý kiến các bên có liên quan; thông tin dự án phải công bố công khai; hợp đồng sau khi ký kết cũng phải công bố thông tin để người dân giám sát.

NĐ 63/2018 đưa ra nhiều quy định để hạn chế chỉ định thầu từ gốc, chặn thất thoát từ đầu. Dự án BT chỉ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi đã có thiết kế và dự toán được phê duyệt; quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được định rõ ngay trong giai đoạn lập báo cáo cáo nghiên cứu khả thi - với yêu cầu phải được phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có). Quy định này sẽ giúp công trình BT khi đưa ra đấu thầu được tính toán gần với giá thị trường, tránh đội giá. Quỹ đất đối ứng cũng đã có quy hoạch, rõ mục đích sử dụng, vì thế giá đất cũng gần thị trường, tránh việc định giá quỹ đất đối ứng thấp.

Quy định quan trọng khác sẽ hạn chế tình trạng khép kín: nhà đầu tư lập đề xuất sau đó lại được chỉ định thầu, đó là đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP gồm vốn góp của Nhà nước và vốn thanh toán cho nhà đầu tư sẽ chỉ được bố trí khi dự án không áp dụng chỉ định thầu đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Dự án do nhà đầu tư đề xuất muốn được bố trí phần vốn này thì bắt buộc phải đấu thầu cạnh tranh.

Quy định của NĐ 63/2018 khiến ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư với dự án đã trúng thầu cao hơn. Nhà đầu tư sẽ phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu lớn hơn, từ 15% tổng vốn đầu tư lên 20%. Đây là tỷ lệ phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án, góp phần ổn định hệ thống tín dụng trong nước khi hạn mức tín dụng đã tới hạn; đồng thời không phải là tỷ lệ quá cao để làm khó nhà đầu tư, cũng như làm tăng giá dịch vụ công.

Nhà đầu tư sẽ không thể dễ dàng, tùy tiện trong chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác. Việc này chỉ có thể thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng, hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng. Đồng thời, NĐ 63/2018 quy định rõ những yêu cầu cần đáp ứng của bên nhận chuyển nhượng.               

Thuận lợi và nhiều cơ hội cho nhà đầu tư

NĐ 63/2018 mở rộng lĩnh vực đầu tư hơn so với NĐ 15/2015 để phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư, đồng nghĩa tăng cơ hội cho nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực tham gia vào các dự án PPP tại Việt Nam, như công viên; nhà, sân bãi để ô tô, xe, máy móc, thiết bị; nhà ở công vụ; du lịch; hạ tầng khu đô thị, cụm công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài nguồn vốn đầu tư công, NĐ 63/2018 bổ sung nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP từ các nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công để phù hợp với tính chất của các loại hợp đồng PPP và tăng cơ hội triển khai dự án PPP tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính mà ví dụ điển hình là các bệnh viện công lập đang quá tải. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, quy định này sẽ tăng tính hấp dẫn của dự án PPP, giúp tăng tính khả thi về tài chính, bảo đảm khả năng thành công cao hơn và khi khu vực tư nhân nhìn thấy rõ hơn khả năng góp vốn của Nhà nước, họ sẽ có niềm tin để đồng hành với Nhà nước thực hiện dự án.

Nhà đầu tư khi đồng hành với Nhà nước cũng sẽ được tháo gỡ nhiều vướng mắc, rào cản hiện hành. Đơn cử như việc bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời lược bỏ quy định về ký kết thỏa thuận đầu tư được nhà đầu tư đánh giá rất cao về nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết và gây mất rất nhiều thời gian, công sức của nhà đầu tư thời gian qua.

Đặc biệt, quy trình đấu thầu tại NĐ 63/2018 tiếp tục tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch - điều mà những nhà đầu tư thực sự mong muốn tham gia vào các dự án PPP chờ đợi nhất.

Những thay đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, các dự án khi đưa ra đấu thầu được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. 

Chờ đợi đột phá từ Luật PPP

NĐ 63/2018 ở cấp nghị định nên dù đã tương đối đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, không thể kỳ vọng nghị định mới về PPP sẽ thay đổi toàn diện, tháo gỡ toàn bộ vướng mắc hiện nay về PPP. Lý do là vì nhiều quy định còn bị điều chỉnh bởi các luật liên quan, đặc biệt là cơ chế bảo lãnh từ phía Chính phủ để giảm bớt rủi ro ngoài kiểm soát đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Một số nội dung khác cấp nghị định cũng chưa thể quy định mà cần phải được thể chế tại cấp luật, như quy định về chế tài xử lý vi phạm.

Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, một chính sách tốt không thể biến một dự án tồi thành một dự án tốt và càng không thể tháo gỡ được vướng mắc khi người đứng đầu các cơ quan thực thi không quyết tâm và nghiêm túc thực hiện. Do đó, để giải quyết triệt để các vướng mắc cần thời gian và có giải pháp đồng bộ, từ khâu định hướng rõ ràng, thống nhất, có chiến lược, kế hoạch dài hạn về PPP, hoàn thiện thể chế đến tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi dự án PPP cụ thể.

Chuyên đề