Sẽ không dễ chộp giật đối với dự án PPP

(BĐT) - Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (NĐ 63/2018) vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15/2015) đã điều chỉnh quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP. 
Tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc đầu tư các dự án BOT giao thông, đáp ứng các điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng . Ảnh: Tiên Giang
Tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc đầu tư các dự án BOT giao thông, đáp ứng các điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng . Ảnh: Tiên Giang

Nhìn lại thực tiễn triển khai các dự án BOT vừa qua, sự thay đổi này cùng với nhiều quy định khác tại NĐ 63/2018 sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.

Câu chuyện cũ

Thực tiễn triển khai các dự án BOT giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ dự án là năng lực tài chính của nhà đầu tư không bảo đảm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân hàng đổ vào các dự án BOT giai đoạn này chiếm 85 - 90% tổng vốn đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Các nhà đầu tư BOT thực chất chỉ có nguồn vốn tự có rất khiêm tốn, phần lớn từ 10 - 11% tổng vốn đầu tư của dự án.

Cùng với việc các dự án BOT giai đoạn này đều chỉ định nhà đầu tư, thiếu cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhiều trường hợp nhà đầu tư được chỉ định không bảo đảm năng lực tài chính. Sau đó, trong quá trình thi công xây dựng, nhà đầu tư BOT phần lớn chỉ định nhà thầu thực hiện. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, các hợp đồng BOT trao nhiều quyền cho nhà đầu tư như có thể chỉ định thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, từ đó thao túng quy trình đầu tư, hạn chế đáng kể những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải có để áp dụng vào công trình… Cho nên, động cơ của nhà đầu tư sẽ nhắm nhiều vào hưởng lợi trong quá trình xây dựng dự án, chứ không phải là thu hồi vốn trong quá trình khai thác sau này.

Một số chuyên gia đã tính toán rằng, với mức vốn chủ sở hữu chỉ 10 - 11% tổng vốn đầu tư dự án, đa phần dự án do nhà đầu tư lập đề xuất dự án dẫn đến có thể đẩy tổng vốn đầu tư dự án lên cao hơn, rồi “ăn chia” với nhà thầu trong quá trình xây dựng dự án, nhà đầu tư BOT đã gần như có thể bù được phần vốn chủ sở hữu. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, nhà đầu tư BOT “cứ làm là có lãi”, “tay không bắt giặc”.

Ngoài ra, với việc 85 - 90% là vốn vay, bất cứ rủi ro nào của dự án BOT sẽ chuyển sang cho các ngân hàng cung cấp tín dụng, gánh nặng nợ vay cũng như rủi ro tiềm ẩn trong tương lai cho hệ thống tín dụng là không nhỏ. 

Nhà đầu tư sẽ phải có năng lực tài chính tốt hơn

Theo Điều 10 NĐ 63/2018, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng và không được thấp hơn 10% với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh các nhà đầu tư trong nước phát triển từ “nhà thầu xây dựng”, việc quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải góp vào dự án sẽ góp phần bảo đảm lựa chọn được những nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án, đồng thời góp phần ổn định hệ thống tín dụng trong nước khi hạn mức tín dụng đã tới hạn như thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình thực thi là vô cùng quan trọng. Quy định này sẽ phát huy hết hiệu quả như kỳ vọng nếu quá trình lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, cạnh tranh, hạn chế chỉ định thầu, để có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất phù hợp với yêu cầu của dự án. Đồng thời, về phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi xem xét cung cấp tín dụng cho các dự án BOT cần thẩm định chặt chẽ dự án cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Chuyên đề