Phác họa hệ thống cảng biển quy mô lớn tại Sóc Trăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với vị trí chiến lược, Sóc Trăng đang được định hướng phát triển hệ thống cảng biển quy mô lớn, hiện đại, góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao năng lực logistics và kết nối giao thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Hội đồng Thẩm định (Bộ Xây dựng) xem xét trước khi trình duyệt.
Vị trí đề xuất xây dựng bến cảng và khu hậu cần cảng Trần Đề
Vị trí đề xuất xây dựng bến cảng và khu hậu cần cảng Trần Đề

Dự kiến xây dựng 3 khu bến cảng chủ lực

Tờ trình của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam (Bộ Xây dựng) xác định, mục tiêu quy hoạch cảng biển Sóc Trăng nhằm tăng trưởng mạnh mẽ về hàng hóa và hành khách. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Sóc Trăng dự kiến đạt 30,7 - 41,2 triệu tấn (trong đó có 0,97 - 1,36 triệu TEU hàng container) và từ 522 - 566 nghìn lượt hành khách. Về hạ tầng, Sóc Trăng sẽ có 6 bến cảng với 16 - 18 cầu cảng, tổng chiều dài từ 2.693 - 3.493 m. Tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Sóc Trăng tăng trưởng bình quân từ 5,5% đến 6,1% và lượng hành khách tăng từ 1,1% đến 1,25% mỗi năm. Đặc biệt, cảng ngoài khơi Trần Đề được định hướng phát triển thành cảng cửa ngõ cho toàn vùng ĐBSCL.

Báo cáo Quy hoạch cho biết, Sóc Trăng sẽ có 3 khu bến cảng chủ lực gồm: Trần Đề, Kế Sách và Đại Ngãi.

Trong đó, khu bến cảng Trần Đề được xác định là trọng điểm phát triển với các bến trong sông Hậu và cảng ngoài khơi, đóng vai trò trung chuyển và kết nối quốc tế. Đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua các bến trong sông Hậu phía hạ lưu cầu Đại Ngãi là từ 1 - 1,1 triệu tấn và lượng hành khách từ 522,1 - 566,3 nghìn lượt. Sản lượng hàng hóa thông qua bến cảng ngoài khơi Trần Đề là từ 24,6 - 32,5 triệu tấn. Về quy mô, có 2 bến cảng trong sông Hậu phía hạ lưu cầu Đại Ngãi, gồm 4 cầu cảng với tổng chiều dài 343 m. Bến cảng ngoài khơi Trần Đề có 1 bến cảng gồm từ 2 - 4 cầu cảng với tổng chiều dài từ 800 - 1.600 m, tiếp nhận cỡ tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100 nghìn tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160 nghìn tấn. Bến cảng tiếp chuyển phía bờ tại cửa Trần Đề có 20 cầu cảng với tổng chiều dài 2.000 m. Cụ thể, bến chuyên dùng phục vụ Khu công nghiệp Trần Đề gồm 2 cầu cảng tổng hợp, hàng rời với tổng chiều dài 260 m, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 5.000 tấn, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 1 triệu tấn đến 1,1 triệu tấn. Bến cảng Superdong Trần Đề - Sóc Trăng có 2 cầu cảng hành khách với tổng chiều dài 83 m, tiếp nhận cỡ tàu cao tốc trọng tải đến 200 tấn, cỡ phà biển trọng tải đến 500 tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua cho 522,1 - 566,3 nghìn lượt khách.

Trong Quy hoạch, khu bến Đại Ngãi có quy mô lớn thứ hai với 1 bến cảng, dự kiến hàng hóa thông qua đến năm 2030 đạt từ 3,2 đến 3,8 triệu tấn. Bến cảng này dự kiến phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và cơ sở công nghiệp khác, gồm 6 cầu cảng hàng rời, hàng lỏng với tổng chiều dài 630 m, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 20 nghìn tấn.

Thứ ba là khu bến Kế Sách với 2 bến cảng (gồm 4 cầu cảng tổng chiều dài 920 m), dự kiến đến năm 2030 có thể thông qua lượng hàng hóa lên tới 1,9 - 3,7 triệu tấn. Cụ thể, bến cảng tổng hợp Cái Côn có 2 cầu cảng tổng hợp và 1 cầu cảng chuyên dùng xi măng với tổng chiều dài 740 m, có thể tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 20 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 1,6 - 3,4 triệu tấn. Bến cảng xăng dầu Mỹ Hưng có 1 cầu cảng hàng lỏng/khí với chiều dài 180 m, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 15 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua khoảng 0,3 triệu tấn.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 5,5 - 6,1%/năm. Bến cảng ngoài khơi Trần Đề có quy mô dự kiến 14 cầu cảng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa.

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh hệ thống bến cảng, Quy hoạch cũng hoạch định việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng. Trong đó, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để hoàn chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; luồng Trần Đề (trong sông) cho tàu trọng tải đến 2.000 tấn; hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi Trần Đề; duy trì khai thác luồng Định An - Cần Thơ cho tàu trọng tải đến 5.000 tấn, nghiên cứu đầu tư cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn trở lên bằng nguồn xã hội hóa. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải và quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải tại các khu vực cảng biển. Song song đó, hạ tầng giao thông kết nối cũng được định hướng phát triển, thực hiện các quy hoạch giao thông vận tải đã được phê duyệt, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối cảng biển Sóc Trăng.

Cụ thể, đường bộ sẽ đầu tư tuyến đường sau cảng Trần Đề; cải tạo, nâng cấp tuyến Nam sông Hậu, Quốc lộ 91B kết nối các khu bến Đại Ngãi, Kế Sách, Trần Đề; đầu tư tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Quốc lộ 60 - cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng.

Về đường thủy nội địa và ven biển, đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa kết nối giữa Tây Nam Bộ và TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; giữa sông Tiền và sông Hậu; tuyến vận tải thủy quốc tế Campuchia; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tuyến ven biển.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 ước tính khoảng 68.580 tỷ đồng, trong đó hơn 52.800 tỷ đồng đầu tư bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.

Tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch cảng biển Sóc Trăng mới đây, ông Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, với quy hoạch bài bản và tầm nhìn chiến lược, cảng biển Sóc Trăng hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm logistics quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển và hội nhập quốc tế của khu vực ĐBSCL trong tương lai gần.

Ông Nghiệp cũng chia sẻ 6 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: cơ chế, chính sách; huy động vốn; môi trường, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng bày tỏ, sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Tỉnh sẽ chỉ đạo lập các quy hoạch của địa phương phù hợp Quy hoạch chi tiết cảng biển được duyệt; quản lý, bố trí quỹ đất theo quy hoạch để phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải, đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng. Quá trình cấp phép đầu tư dự án cảng biển sẽ đảm bảo phù hợp với Quy hoạch về công năng, quy mô, thời điểm, tiến độ đầu tư, đồng bộ về tiến trình đầu tư cảng biển và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng khác liên quan.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu